(Baonghean) - Có một câu chuyện ở bên nước Anh thời hậu cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất xảy ra, lúc khám tuyển sức khỏe cho những người đăng lính, người ta phát hiện ra chiều cao của thanh niên nước Anh bị thấp đi từ một đến hai xăng-ti-mét so với trước đó. Nguyên nhân là do những ông bố, bà mẹ của họ phải trải qua thời kỳ lao động cực nhọc trong các nhà máy, xí nghiệp với đồng lương không thể đảm bảo cho những bữa cơm đủ dinh dưỡng khiến cho những đứa con do họ sinh ra bị còi cọc...
 
Ở ta thời hiện tại, mức lương tối thiểu của công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện chỉ mới đáp ứng được từ 60 đến 70% mức sống trung bình. Nếu điều này không được khắc phục sớm, ai dám khẳng định một thế hệ trẻ là con cái của công nhân ở ta không phải chịu số phận như những thanh niên phương Tây sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở thế kỷ trước nói trên?. Trong khi đó, thì việc tăng lương cho công nhân từ mức “rất đói” lên mức “đỡ đói” vẫn là cuộc tranh cãi căng thẳng giữa một bên đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và một bên đại diện cho doanh nghiệp là Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) diễn ra khá căng thẳng và chưa thể đi đến hồi kết trong mấy ngày vừa qua.
 
Và “quả bóng” tăng lương cho người lao động được đá sang chân Hội đồng Tiền lương quốc gia để họ quyết định nghiêng theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 so với năm 2015 là 16,8%, quy ra con số cụ thể là từ 350.000 - 550.000 đồng tùy vùng hay nghiêng về đề xuất của VCCI với “thân chủ” là các doanh nghiệp là tăng 10%, tương đương 150.000 - 250.000 đồng... Tuy chưa có kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng, nhưng đã có thể nói một cách dứt khoát là dù nghiêng về bên nào thì với người lao động, số tiền tăng thêm cũng chẳng đủ để làm thay đổi cuộc sống của họ. Họ vẫn sẽ phải vất vả, lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm thiếu thốn.
 
Lý do chưa đi đến được sự thống nhất cho việc tăng lương tối thiểu thì bên nào cũng có lý của bên đó. Bên Tổng Liên đoàn Lao động thì cho là lương tối thiểu dứt khoát phải đủ cho cuộc sống tối thiểu. Còn bên VCCI thì cho là tăng “nhiều quá” doanh nghiệp không đủ chi trả, không có lãi, làm sao duy trì doanh nghiệp, duy trì việc làm để mà “đòi tăng lương”. Ai cũng có lý của họ. Tuy nhiên họ quên đi một điều rằng, lao động là vốn quý của doanh nghiệp và doanh nghiệp là chỗ dựa của người lao động. Nếu lao động giỏi, năng suất cao, thì doanh nghiệp có lãi lớn. Nếu lao động kém, năng suất thấp thì doanh nghiệp trở nên ốm o, quặt quẹo không vươn lên được. Và doanh nghiệp không vững mạnh thì người lao động cũng không có sự yên ổn. Thế thì tại sao hai bên không cùng nắm tay nhau, tìm ra giải pháp vừa lo cho người lao động có cuộc sống tốt, vừa bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Nói cách khác thì cả hai bên cần phải có sự đồng thuận cao thì mới có thể giải quyết được vấn đề! 
 
Duy Hương