(Baonghean) - Việc mở thông tuyến KCB BHYT được coi là bước đột phá của Luật BHYT sửa đổi, thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. điều này không những đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT mà còn trở thành động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cũng như tinh thần phục vụ người bệnh.
“Nửa mừng, nửa lo”
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định, từ 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh. Theo đó, người tham gia BHYT có đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện thì được quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Trước đây, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí KCB. Theo Luật BHYT sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1/1/2016 quỹ sẽ thanh toán 100% chi phí KCB đối với những đối tượng KCB trong cùng địa bàn tỉnh. Như vậy, tất cả các đối tượng trước kia chỉ được thanh toán 70%, nhưng nếu như trong cùng địa bàn tỉnh thì họ sẽ được thanh toán 100%. Thực hiện thông tuyến đồng nghĩa với việc khi khám, chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, 63 tuổi, người dân Thị trấn Nam Đàn rất vui khi đón nhận thông tin thông tuyến KCB BHYT. Phải đến ngày 1/1/2016, việc mở thông tuyến KCB tuyến huyện, tuyến xã mới chính thức bắt đầu nhưng bây giờ bà Nguyệt đã rất thông thạo về quy định mới của luật: “Khi mở thông tuyến, người bệnh có thẻ BHYT như tôi sẽ được quyền đi KCB ở các trạm y tế, bệnh viện cấp huyện, thành, thị trong tỉnh tùy thích mà không bị giới hạn bởi một cơ sở khám chữa bệnh ban đầu nào và vẫn được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB… Quy định này tạo sự chủ động cho bệnh nhân trong việc chăm lo sức khỏe, không bị giới hạn nơi khám, chữa bệnh, tránh những phiền hà trong giấy tờ thủ tục cũng như không bị bệnh viện “giữ lại” điều trị”.
Bác sỹ Hồ Xuân Hùng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Trung, huyện Nam Đàn cho biết: “Những năm gần đây, Trạm Y tế xã Nam Trung trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân vùng 5 Nam. Người dân các xã Nam Trung, Nam Cường, Khánh Sơn, Nam Phú đã tập trung về trạm khám, điều trị bởi trạm có máy siêu âm, trang thiết bị đầy đủ, cán bộ giỏi chuyên môn, sử dụng máy móc thành thạo… Mỗi năm, trạm đỡ gần 300 ca sản, khám và điều trị cho 10.000 lượt người. Giờ đây mở thông tuyến, chắc chắn người dân đến KCB còn đông hơn nữa”. Niềm vui của các cơ sở KCB uy tín là được phục vụ, cứu chữa cho nhiều bệnh nhân, điều này đồng nghĩa với việc bệnh viện có thêm nguồn tài chính để đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, mua sắm trang thiết bị, phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu một cách toàn diện, tập trung đào tạo cán bộ trẻ có trình độ vững vàng… Song, đi kèm niềm vui cũng là nỗi lo rất lớn: Sẽ xuất hiện nhiều cơ sở khám, chữa bệnh không có bệnh nhân; nhiều cơ sở khám, chữa bệnh khác sẽ quá tải, cơ sở vật chất, dịch vụ y tế không thể phục vụ tốt cho một số lượng bệnh nhân quá đông - lúc đó quyền lợi cho người có thẻ BHYT lại chưa được đảm bảo.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Khi việc “thông tuyến” chính thức triển khai, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện sẽ đứng trước quy luật đào thải và tự đào thải. Chỉ có những cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ chất lượng, y, bác sỹ trình độ cao, tinh thần phục vụ tốt, tiện nghi mới được lựa chọn và không ngừng phát triển. Ý thức rõ điều này, thời gian qua, nhiều bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đã và đang tích cực tự hoàn thiện mình.
Với mục tiêu đạt tiêu chuẩn Bệnh viện Đa khoa hạng II, với 250 giường bệnh, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh đã có bước đột phá mới trong việc triển khai các kỹ thuật cao như: Phẫu thuật nội soi ổ bụng (viêm ruột thừa, cắt túi mật, u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, phẫu thuật nội soi mũi xoang, chụp CT.Scanner rộng rãi, nội soi tiêu hoá...); cắt tuyến giáp; cắt u đại tràng; cắt nang gan, nang thận, u nang buồn trứng bằng dao siêu âm đa năng, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng Laser, mổ Pharco, cắt Amidan bằng dao Plama… Cùng với việc thực hiện mô hình quản lý chất lượng bệnh viện toàn diện, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh đang cố gắng cung cấp cho người bệnh các dịch vụ kỹ thuật tốt nhất, góp phần hạn chế tối đa số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân. Bác sỹ Nguyễn Hải Linh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương cho biết: Với nhiều giải pháp phù hợp như tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên chuyển giao, hợp đồng với các bệnh viện tuyến trên về đào tạo chuyển giao gói kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn, hiện tại, các bác sỹ của bệnh viện đã thực sự làm chủ nhiều kỹ thuật như: phẫu thuật nội soi các loại, phẫu thuật thủy tinh thể bằng phương pháp phaco, chấn thương chỉnh hình. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã đã đầu tư đầy đủ về trang thiết bị, máy móc đáp ứng nhu cầu của một đơn vị y tế hạng 2 như máy nội soi, máy X-Quang cao tần, siêu âm màu, bàn mổ đa năng thủy lực, lồng ấp trẻ sơ sinh.
Riêng Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu từ năm 2014 đến nay đã triển khai cho các bệnh nhân có thể BHYT (dài hạn 2-3 năm) làm thẻ thông minh. Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc bệnh viện cho hay: Khi người bệnh đến khám chỉ cần mang theo thẻ điện tử này mà không cần mang theo thẻ BHYT. Thẻ được mã hóa đồng bộ với hệ thống máy tính lưu giữ tất cả thông tin bệnh lý của bệnh nhân. Việc sử dụng thẻ đã giúp bệnh nhân không phải chờ đợi, tăng thời gian tiếp xúc chẩn đoán của bác sỹ đối với bệnh nhân. Đến nay, bệnh viện đã làm được hơn 26.000 thẻ thông minh cho bệnh nhân… Được biết hệ thống máy móc quản lý, cộng thêm phần mềm tiện ích này, bệnh viện chỉ đầu tư hết khoảng 140 triệu đồng.
Đến năm 2021, việc “thông tuyến” KCB BHYT không chỉ dừng lại ở tuyến huyện mà “mở thông” hoàn toàn đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, Trung ương. Do đó, các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đang có những chuyển động nhanh để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trong năm 2014, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc đã triển khai, áp dụng thành công nhiều kỹ thuật mới như lọc máu cấp cứu, thở máy sơ sinh, thay máu vàng da sơ sinh, kỹ thuật nuôi cấy vi khuẩn làm kháng sinh đồ giúp người bệnh được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại nơi gần nhất; Bệnh viện Y học cổ truyền nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, khởi công xây mới nhà Khoa Dược, sửa chữa nâng cấp Khoa Nội A. Ngoài ra bệnh viện còn mua sắm thêm trang thiết bị nâng cao hiệu quả trong khám và chữa bệnh như máy nội soi dạ dày, máy Laser CO2, hệ thống ô - xy cao áp. Tương tự Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình Nghệ An cũng đang tiếp cận nghiên cứu, điều trị những bệnh lý phức tạp như: u não, u cột sống, u xương giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên, giảm sự tốn kém cho bệnh nhân.
Bác sỹ Đậu Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định: Việc mở thông tuyến KCB BHYT đã, đang và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành Y tế Nghệ An ngày càng phát triển. Để đảm bảo quyền lợi cũng như nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, ngành Y tế Nghệ An quyết tâm xây dựng một nền y học hiện đại, phát triển trên diện rộng và cả chuyên sâu; tập trung đầu tư phát triển cho y tế tuyến dưới, các bệnh thông thường phải được phát hiện sớm, chăm sóc sớm, không để quá tải cho tuyến trên… Theo đó, ngành Y tế tiếp tục tập trung phát triển y tế tuyến xã. Đó là tiếp tục cập nhật, nâng cao kiến thức cho hơn 5.000 cán bộ y tế thôn bản; đẩy mạnh hơn việc xây dựng xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, cố gắng phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 80% tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Ở tuyến huyện, ngành Y tế tập trung vào việc điều trị cấp cứu bệnh thông thường và chuyên sâu thêm một số lĩnh vực có thể điều trị được theo năng lực. Ở tuyến tỉnh, các bệnh viện sẽ tập trung vào các kỹ thuật cao.
Trong tương lai gần khi việc “thông tuyến” KCB BHYT chính thức áp dụng chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề cần sự điều chỉnh như việc phát triển y tế tuyến xã, khám, chữa bệnh theo định suất... Nhưng chắc chắn rằng việc “thông tuyến” KCB BHYT sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chất lượng khám, chữa bệnh ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bài, ảnh: Thanh Sơn