(Baonghean) - Với người dân các bản làng xa xôi của huyện Con Cuông, niềm vui như được nhân lên gấp đôi, bởi lẽ, những chiếc cầu treo dân sinh bắc qua các sông, suối vừa mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng, niềm mong ước từ bao đời đã trở thành hiện thực…
 
Con Cuông là huyện vùng cao biên giới, là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Thái (chiếm đa số), Đan Lai và Kinh. Với điều kiện địa hình nhiều núi cao và sông suối chảy qua, đặc biệt phải kể đến sông Lam, sông Giăng, khe Thơi, khe Choăng, khe Mọi và khe Xì Vàng… nên việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Vào mùa mưa lũ, không ít bản làng thuộc các xã Châu Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Thạch Ngàn, Đôn Phục, Cam Lâm, Lạng Khê và Bình Chuẩn bị cô lập bởi nước dâng cao, đường sá bị sạt lở gây cản trở và đe dọa tính mạng của con người. Năm 2014, tin vui đến với người dân Con Cuông khi Tổng cục đường bộ (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) triển khai Đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, số lượng cây cầu được hỗ trợ xây dựng trên địa bàn cả nước là 186, của tỉnh Nghệ An có 12. Riêng huyện Con Cuông được ưu tiên hỗ trợ 6 cầu treo trên địa bàn 6 bản: bản Diềm, bản Xát (Châu Khê), bản Xằng (Lục Dạ), bản Cai (Cam Lâm), bản Thái Sơn và Làng Yên (Môn Sơn). Những cây cầu này được thiết kế sử dụng cho người đi bộ, xe gắn máy, xe đạp và các loại phương tiện thô sơ khác, đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày của bà con nhân dân. Cầu được làm bằng chất liệu thép, mặt cầu bằng thép nhám, có chiều rộng 2m. Việc đầu tư xây dựng những chiếc cầu này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, hạn chế nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, đảm bảo đời sống dân sinh, góp phần thúc đẩy sự giao lưu và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
images1149838_img_3a.jpgCầu treo bản Xằng (xã Lục Dạ - Con Cuông) được đưa vào sử dụng, thay chiếc cầu tạm chênh vênh.
Những cơn mưa tháng 3 và chặng đường lầy lội, trơn trượt không ngăn được bước chân của chúng tôi về bản Xát và bản Diềm, thuộc xã biên giới Châu Khê. Đây là hai bản nằm ở đầu nguồn khe Choăng, con khe mùa khô trong xanh, hiền hòa nhưng hễ mùa mưa đến là dòng nước ngầu đục, cuồn cuộn dâng cao gây chia cắt các bản làng, việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn và phức tạp. Điểm dừng chân đầu tiên là bản Xát, nơi cách đây chưa lâu bà con dân bản vui mừng, hân hoan khi chiếc cầu treo vừa được hoàn thành. Chiếc cầu treo này bắc qua dòng khe Choăng, nối bản làng với phía hữu ngạn, nơi quy hoạch canh tác lúa nước và nương rẫy. Trước đây, vào mùa thu hoạch, việc vận chuyển nông sản về bản hết sức khó khăn, thường phải kết bè để vượt suối hoặc phải gánh bộ qua. Điều này thực sự mạo hiểm, đe dọa đến tính mạng người nông dân, đó là chưa kể nông sản thường bị rơi rớt hoặc thấm nước mỗi khi qua suối. Khi chiếc cầu treo bằng sắt khá vững chãi được bắc qua, việc đi lại và vận chuyển nổng sản trong mùa thu hoạch trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn, giúp bà con rút ngắn thời gian vận chuyển và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn. Tiếp chuyện chúng tôi, Trưởng bản Kha Trọng Bình chia sẻ: “Từ ngày có cây cầu treo này, bà con bản Xát vui hẳn lên. Vì không phải lội suối, không phải kết bè đưa lúa, ngô và sắn về nhà. Sắp tới, xã sẽ tổ chức di dời hơn 10 hộ trong bản sang phía hữu ngạn, có cầu rồi không ai còn ngại sang cư trú ở bờ bên kia”.
 
Rời bản Xát, chúng tôi tiếp tục hành trình vào bản Diềm. Tại đây, chiếc cầu treo bắc qua khe Choăng đã hoàn thành cách đây mấy tháng. Khác với bản Xát, bản Diềm đã có 15 hộ (hơn 50 khẩu) sang định cư phía hữu ngạn nên khi chưa có cầu treo, việc lưu thông, qua lại đôi bờ gặp rất nhiều trắc trở. Những ngày mưa lũ, 15 hộ phía hữu ngạn thường bị cô lập, có những năm thời gian bị cô lập kéo dài cả tuần. Thậm chí, mấy năm trước, do bị nước lũ cô lập dài ngày, hết nguồn lương thực dự trữ, một người đàn ông tìm cách vượt qua khe Choăng sang bờ bên kia tìm cái ăn đã bị nước cuốn trôi! Vào mùa nước rút, bà con thường làm cầu tạm nhưng mỗi khi đi qua luôn nơm nớp lo sợ. Từ khi chiếc cầu treo được Nhà nước hỗ trợ đưa vào sử dụng, cuộc sống của bà con dân tộc Thái ở bản Diềm thực sự đã có những đổi thay. Việc qua lại đôi bờ, việc đi nương đi rẫy và trẻ em đến trường trở nên dễ dàng, mùa mưa lũ đến không còn lo âu, 15 hộ dân phía bên kia không còn lo bị cô lập mỗi khi con nước dâng cao. Các loại nông sản như ngô, lúa, sắn bán được giá cao hơn, không còn lo tư thương vào ép giá. Ông Vi Văn Đồng, Trưởng bản cho biết: “Được Nhà nước đầu tư xây dựng cái cầu treo vững chãi, người dân bản Diềm đã thỏa nguyện ước mơ từ bao đời nay. Vui nhất có lẽ là các em học sinh, vì từ nay sẽ không còn cảnh lội suối hoặc vượt cầu tạm để đến lớp”. 
 
Chúng tôi tiếp tục xuôi về xã Lục Dạ, tìm đến bản Xằng, một trong những bản nằm ở đầu nguồn khe Mọi. Nhìn từ xa, chiếc cầu nằm ở phía đầu bản giống như một cánh tay sừng sững, khổng lồ bắc qua dòng khe Mọi uốn quanh giữa núi ngàn. Cầu vừa được đưa vào sử dụng trước Tết Ất Mùi mấy ngày. Chuyện trò với Trưởng bản Lô Văn Phúc, được biết bản Xằng hiện có 168 hộ (728 nhân khẩu), nguồn thu nhập chính là sản xuất lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi gia súc. So với các bản khác trong xã, mức thu nhập và đời sống của bản Xằng không thua kém, chỉ có điều nằm ở vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở nên phải chịu không ít thiệt thòi. Trước đây, để đến bản Xằng, phải men theo khe Mọi, còn đường này chỉ đi được trong những ngày khô ráo. Qua những trận lũ lớn, con đường này bị xói lở nên việc đi lại càng trở nên khó khăn. Sau đó, nhờ tuyến đường vào bản Mọi được nâng cấp nên người dân bản Xằng có phần đỡ vất vả hơn. 
 
Tuy vậy, lưu lượng nước khe Mọi chảy mạnh, chiều rộng khá lớn nên vấn đề qua lại của bà con luôn gặp trở ngại không nhỏ. Từ những năm trước, Ban quản lý bản đã đồng ý cho một hộ làm cầu gỗ bắc qua khe và thu tiền 5.000 đồng/lượt xe máy. Với bà con nông dân, đây là khoản tiền không ít, nhất là với những ai hàng ngày phải qua lại nhiều lần, nhưng thời điểm ấy không có cách nào khác. Vào dịp trước Tết Nguyên đán mấy ngày, người dân bản Xằng vô cùng vui vẻ và phấn khởi khi cây cầu treo bắc qua dòng khe Mọi được hoàn thành, chiếc cầu gỗ đơn sơ, gập ghềnh sẽ đi vào ký ức. Cũng từ đây, bà con không còn nỗi lo bị nước lũ cô lập, trẻ em không còn nỗi lo phải nghỉ học trong những ngày mưa lớn. 
 
Cầu treo bản Xát (xã Châu Khê- Con Cuông)
Cùng chung niềm vui với bản Xát, bản Diềm và bản Xằng, bà con bản Kai (xã Cam Lâm) cũng đang hết sức phấn khởi khi cây cầu treo bắc qua khe Xì Vàng đã hoàn thành. Cây cầu được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại và đảm bảo an toàn cho người dân bản Kai và bản Cam, 2 bản vùng sâu, vùng xa của Cam Lâm. Thời gian tới, bà con xã Môn Sơn sẽ được đón nhận niềm vui khi cầu treo bản Thái Sơn và cầu treo Làng Yên hoàn thành và đưa vào sử dụng. 2 cây cầu này đang được gấp rút thi công và cố gắng hoàn thành trước mùa mưa lũ. Người dân các bản Nam Sơn, Thái Hòa và Làng Yên mỗi lần ra trung tâm xã và học sinh đến trường sẽ không còn nỗi lo khi qua chiếc cầu gỗ chênh vênh hay những chiếc bè chòng chành vượt sông Giăng… 
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Trong tổng số 6 cầu treo do Tổng cục Đường bộ hỗ trợ xây dựng trên trên địa bàn, hiện nay 4 cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 cầu tiếp theo đang được thi công và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Điều này thực sự đem đến niềm vui cho bà con các dân tộc Con Cuông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong mùa mưa lũ”. 
 
Hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều bản làng khác ở Con Cuông được đón nhận niềm vui này! 
 
 
Công Kiên