(Baonghean) - Các nguồn tư liệu liên quan đều khẳng định, múa xòe là “đặc sản” của người Thái miền Tây Bắc. Đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An (cư trú ở các huyện Quế Phong, Qùy Châu, Tương Dương, Con Cuông và Kỳ Sơn...) có điệu múa xòe với những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng và hấp dẫn. Phải chăng, từ hàng trăm năm trước, khi thực hiện cuộc thiên di từ miền Tây Bắc vào miền Tây Nghệ An, người Thái không quên mang theo điệu múa xòe để luôn nhớ về nguồn cội?
Nói về điệu xòe Thái, nghệ nhân Đinh Thị Minh Nguyệt ở bản Phòng, xã Thạch Giám (Tương Dương) cho hay, đây là điệu múa phỏng theo bông hoa đang nở nên dễ gợi lên sự tinh tế, uyển chuyển và say đắm lòng người. Có lẽ cũng vì lý do này, xòe thường được thể hiện vào những ngày Xuân, muôn hoa đua nở, sắc Xuân ngập tràn và lòng người phơi phới. Mỗi khi làng bản có hội hè, khi men rượu cần đã ngấm, khi tiếng nhạc ngân vang cũng là lúc điệu xòe bắt đầu. Điệu xòe là sự kết hợp tinh tế giữa đôi tay mềm dẻo và đôi chân nhịp nhàng trong mỗi bước đi.
Mỗi cách sắp xếp đội hình, cách đi đứng và thể hiện động tác, nét mặt bộc lộ một sắc thái tình cảm khác nhau. Đó là tinh thần đoàn kết cộng đồng, là niềm vui đám cưới, mừng nhà mới hay mừng mùa lúa mới, là sự khẳng định tình cảm lứa đôi bền chặt, niềm vui gặp gỡ và sự bịn rịn, lưu luyến lúc chia tay... Đạo cụ đi kèm thường là những chiếc quạt vải màu sắc sặc sỡ hoặc những chiếc khăn piêu, tượng trưng cho những cánh hoa tung tăng trước cơn gió mùa Xuân. Có khi, những cánh quạt ấy gợi chúng ta liên tưởng đến những cánh bướm lúc ngập ngừng, lúc chao lượn giữa không gian núi rừng tràn ngập sắc hoa.
Cũng như các loài hoa rừng, nếu chỉ nở mỗi một bông chưa hẳn đã đẹp, vẻ đẹp càng được tôn thêm khi có một khóm hoa, rồi một rừng hoa. Điệu múa xòe cũng vậy, càng đông người càng đẹp, càng đông người càng vui. Đồng bào Thái quan niệm, có múa xòe thì bông hoa trên rừng mới nở, các loài cây mới kết trái, lúa trên rẫy mới trĩu hạt, ngô trên nương mới trổ bắp, mùa màng mới được bội thu. Vì thế, khi bước vào hội xòe, tất cả mọi người hòa chung một niềm vui, cùng đắm mình trong không khí rộn ràng, náo nức và cùng nắm tay hướng về một ước nguyện mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, nương rẫy được mùa. Điều này làm vơi quên đi bao nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống, bao nỗi lo âu cũng vơi tan theo mỗi vòng xòe. Để rồi, khi hội xòe tan, ai nấy trở về với gia đình, với cuộc sống đời thường nhưng lòng vẫn phơi phới niềm lạc quan, niềm tin về những ngày phía trước và hồi hộp đợi chờ hội xòe năm sau.
Điệu xòe mê đắm, làm bao trái tim thổn thức, bao bước chân chẳng muốn rời xa đã đi vào sáng tác của nhạc sỹ Vương Khon, mọt người con của đồng bào Thái Tây Bắc: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ/ Mà vẫn mê say như thuở nào/ Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu/ Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối/ Tay trong tay đêm nay/ Chân bước đi rộn ràng/ Em bâng khuâng trong điệu xoè/ Để lại hơi ấm bàn tay/ Tay trong đêm nay/ Lòng xao xuyến bồi hồi/ Em lung linh trong điệu xoè/ Như cành ban trắng mùa Xuân...”. Ca từ gần gũi, giai điệu uyển chuyển, ca khúc “Điệu xòe thương nhau” đã diễn tả một cách tài tình những sắc thái tình cảm của đồng bào dân tộc Thái gửi gắm trong điệu múa xòe.
Một lần ghé bản Na, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn), chị Lô Thị Mai, người nhiều năm tham gia đội văn nghệ của bản chia sẻ: “Đến bản làng của người Thái, khách chỉ mới bước lên nhà sàn, uống rượu cần, ăn nậm nhoọc, nghe khèn bè nhưng chưa thưởng thức điệu lăm, điệu xuối và vui hội múa xòe thì xem như chưa đến”. Quả thật, nếu một lần được vui hội xòe, được cùng nắm tay mở rộng vòng xòe, chúng ta sẽ cảm nhận được tình cảm, niềm lạc quan và thiết tha yêu đời của bà con dân tộc Thái. Có lẽ vì thế mà điệu xòe có từ rất xưa nhưng niềm say mê mà nó mang lại không bao giờ vơi cạn!
Công Kiên