(Baonghean) - Trước đây, ở các huyện miền núi cao của Nghệ An như Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu… nguồn nguyên liệu mây, lùng mọc tự nhiên với diện tích rất lớn. Tuy nhiên, do người dân và chính quyền địa phương chưa nhận thức được đầy đủ giá trị kinh tế nên khai thác tự do, dẫn đến nguồn nguyên liệu này cạn kiệt, nhất là cây mây, diện tích còn lại không nhiều.
Để phát triển diện tích và nâng cao giá trị mây, lùng, tạo sinh kế làm ăn cho người dân miền núi, dự án “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây, lùng và người dân tộc thiểu số nghèo” do tổ chức OXFAM tài trợ được triển khai tại 4 huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu và Quế Phong, thời gian thực hiện từ năm 2013 đến năm 2016, với tổng số vốn 1,3 triệu USD. Sau gần 2 năm thực hiện, đã có trên 3.500 hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận và tham gia phát triển chuỗi giá trị mây, lùng. Các huyện đã thành lập được 6 vườn ươm giống và sản xuất được trên 600 nghìn cây giống; trồng mới được 50 ha mây; cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến mây, lùng, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 1.500 lao động.
Dự án bước đầu làm thay đổi nhận thức trong tư duy làm ăn của người dân vùng nguyên liệu. Đồng bào từ khai thác bừa bãi chuyển sang khai thác có kế hoạch, có đầu tư, chăm sóc, bảo vệ môi trường tự nhiên, tìm hiểu và từng bước tiếp cận với thị trường, tình hình phát triển sản phẩm... Ông Vi Văn Xanh - Chi hội trưởng Hội Nông dân bản Đồng Mới, xã Đồng Văn (Quế Phong) cho biết: “Trước đây, gia đình không nhận thức được giá trị của cây lùng, nhưng khi được dự án tập huấn, chúng tôi biết phát quang, dọn vệ sinh, bón phân cho cây, khai thác cây đúng quy trình, kỹ thuật, không để cho rừng lùng bị cạn kiệt; vừa khai thác vừa chăm sóc cho rừng lùng phát triển. Vừa rồi, nhà tôi bán được 16 tấn lùng, thu về 32 triệu đồng. Như thế là có thể khấm khá lên từ cây lùng, bà con rất mừng”. Chị Lang Thị Thẩm ở bản Na Ca, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) cũng phấn khởi: “Khác với trước đây, bây giờ người dân chúng tôi nhận thức được sự cần thiết khi khai thác lùng phải có kế hoạch để tái tạo rừng. Đặc biệt, chúng tôi được tham quan mô hình sản xuất mây tre đan tại doanh nghiệp Đức Phong, hiểu hơn về chuỗi giá trị mây, lùng để tích cực chăm sóc, sản xuất nguồn nguyên liệu này”.
Lê Thanh