Nơi người dân mong nắng to để bội thu mùa muối
(Baonghean.vn) - Cái nắng đỉnh điểm tháng 5 khiến cuộc sống của người dân nhiều địa phương bị ảnh hưởng. Tưởng như chẳng ai thích nắng nóng kéo dài, ấy nhưng không, vẫn có những vùng quê mà người dân mong số ngày nắng to càng nhiều càng tốt. Đó là bà con diêm dân xứ muối Quỳnh Lưu. Nắng to, đồng nghĩa với hy vọng về những vụ muối thắng lợi.
16/05/2019 - 10:23
Huyện Quỳnh Lưu được xem là một trong những địa phương sản xuất muối lớn nhất tỉnh Nghệ An. Vào thời điểm này, thời tiết nắng nóng thuận lợi, hàng trăm hộ diêm dân đang tích cực đẩy mạnh sản xuất muối vụ chính. Ảnh: Nhật Thanh Nghề làm muối rất vất vả. Một ngày của diêm dân thường bắt đầu từ khi mặt trời vừa lên, tranh thủ thời gian nắng gay gắt nhất trong ngày để làm muối. Ảnh: Nhật Thanh Mùa muối chính vụ ở Quỳnh Lưu bắt đầu từ tháng 5 cho tới tháng 8 (dương lịch), cao điểm nhất là vào tháng 6 đến tháng 7 - khi nền nhiệt độ trung bình từ 39 - 41 độ C. Mỗi dát muối có thể cho năng suất 1 tạ/ ngày. Ảnh: Nhật Thanh Các xã như An Hòa, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ, Quỳnh Thuận... có diện tích và sản lượng muối cao nhất huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nhật Thanh Nghề muối rất vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên với bà con diêm dân, số lượng ngày nắng càng nhiều thì họ càng vui mừng vì sản xuất muối hiệu quả. Ảnh: Nhật Thanh Để giá trị muối tăng lên, bà con làm muối đã đầu tư kinh phí, áp dụng các mô hình sản xuất muối mới như muối sạch, muối an toàn… giúp đầu ra ổn định và giá muối cao hơn. Ảnh: Nhật Thanh Hiện nay, thanh niên ở các xã làm muối không mặn mà gắn với nghiệp diêm dân mà hầu hết đều đi làm ăn xa, bởi nghề muối quá đỗi vất vả, thu nhập lại không cao. Trên các cánh đồng muối giờ đây chỉ còn bóng dáng những diêm dân lớn tuổi, hoặc lứa tuổi nhỏ ngoài giờ học theo bố mẹ ra đồng. Ảnh: Nhật Thanh Giá muối lên, xuống thất thường, người dân khi hết mùa muối phải xoay sang làm nhiều công việc thời vụ khác như thợ xây, bốc vác, làm cá... để đắp đổi mưu sinh. Dẫu vậy, họ vẫn không bỏ nghề muối bởi sự nhọc nhằn, mặn mòi trên cánh đồng khuya, sớm đã trở nên quen thuộc. Ảnh: Nhật Thanh