(Baonghean) - An toàn hồ chứa đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay. PV Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Hữu Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi xung quanh vấn đề này.

- Thưa đồng chí, hiện toàn tỉnh có trên 625 hồ chứa, đặc điểm hồ chứa Nghệ An phần lớn có thời gian sử dụng đã lâu từ 30 - 40 năm, cá biệt có hồ xây dựng đã lâu trên 50 năm. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn? 

- Đúng như vậy. Toàn tỉnh có trên 625 hồ chứa. Đây là số hồ “có tên tuổi” dung tích 1 triệu m3 trở lên nằm trong quy hoạch của ngành. Cụ thể, số hồ tương ứng với mực nước lũ thiết kế có dung tích trên 1 triệu m3 là 88 hồ (trong đó: Từ 1 đến dưới 10 triệu m3: 80 hồ; từ 10 triệu m3  trở lên có 8 hồ). Số hồ có chiều cao đập từ 10 m trở lên là 121 hồ.

Các hồ do Nhà nước đầu tư xây dựng được khảo sát, thiết kế theo quy trình quy phạm cũ, phần lớn mức phòng lũ được tính với tài liệu thủy văn ngắn, mô hình lũ đơn, tần suất thiết kế trước đây thấp từ P= 5-10%. Các hồ do Nhà nước và nhân dân cùng làm thì tài liệu thủy văn thường thiếu, hoặc phải tính theo phương pháp tương quan có độ chính xác không cao. Thậm chí nhiều hồ do dân tự xây dựng (thường có dung tích từ 0,1 đến dưới 1 triệu m3), không có khảo sát thiết kế.

images1721552_img_8004.jpgĐồng chí Phạm Hữu Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi

Trong khi đó, việc thi công không đồng bộ các hạng mục công trình và bằng nhiều phương tiện kỹ thuật khác nhau; phần lớn đắp bằng thủ công, đầm nén kém, nhiều hồ không được xử lý móng ở lòng khe. Một số hồ đắp cao chống lũ bằng cách đắp vuốt mái đập, làm giảm chiều rộng mặt đập và không đảm bảo mặt cắt theo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Cống lấy nước chủ yếu bằng ống bê tông lắp ghép, cửa cống hầu hết là cửa phẳng, không kín nước. Tràn xả lũ vẫn còn nhiều hồ sử dụng tràn bãi, quá trình sử dụng bị xói sâu làm giảm dung tích hiệu quả của hồ.

- Thực tế là tràn xả lũ nhiều công trình còn là tràn tạm, chưa đủ chiều rộng thoát lũ. Nhiều đập chưa có đường quản lý hoặc đường chất lượng kém không đáp ứng được yêu cầu ứng cứu khi có sự cố xảy ra… Mặt khác, thời gian được xây dựng lâu như vậy chắc sẽ không còn phù hợp với tình hình thời tiết hiện nay?

- Tôi có thể khái quát đánh giá khả năng an toàn của hồ chứa Nghệ An như sau: Các hồ có dung tích trữ trên 10 triệu m3 trở lên có thể đảm bảo an toàn ở mức tần suất lũ 0,5 - 1%; Các hồ có dung tích trữ trên 2 đến 10 triệu m3 trở lên có thể đảm bảo an toàn ở mức tần suất lũ 1 - 2%; Các hồ nhỏ còn lại chỉ đảm bảo ở mức lũ tần suất 5-10% (tiêu chuẩn thiết kế cũ) và  một số hồ còn thấp hơn nữa (chủ yếu do dân xây dựng và quản lý). Gặp mưa lũ lớn có thể nước tràn qua mặt đập làm vỡ đập.

Hồ Xuân Dương ở Diễn Phú, Diễn Châu mới được nâng cấp đảm bảo an toàn chống lũ tần suất 1%.

- Được biết, hiện có trên 80% hồ chứa đã đầy nước, còn lại đạt trên 70% dung tích. Mực nước này liệu các hồ có phải xả?

- Đến thời điểm này, qua kiểm tra đánh giá, các hồ chứa trên địa bàn đều đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến mưa lũ, UBND tỉnh đã có phương án tổ chức kiểm tra an toàn hồ chứa, căn cứ tình hình thực tế để vận hành xả nước phòng lũ, đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu...

- Vấn đề người dân cũng hết sức quan tâm là mực nước hồ chứa Vực Mấu. Cách đây ít hôm, Ban Chỉ huy PCLB công trình cũng đã lên kế hoạch xả lũ?

- Đúng là đã có kế hoạch xả lũ nhưng sau đó căn cứ tình hình thực tế, việc xả lũ đã không diễn ra, mà chỉ xả tràn để đảm bảo mực nước trong hồ đạt cao trình 21m theo quy trình. Hiện nay, hồ Vực Mấu đã có kịch bản xã lũ theo các phương án bất lợi do Viện Khoa học Thủy lợi lập. Tuy nhiên, với hồ Vực Mấu, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT cho phép lập dự án và cấp kinh phí mở rộng sông Hoàng Mai để đảm bảo tiêu thoát lũ khi hồ Vực Mấu mở cả 5 cửa xả tràn. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương các cấp hàng năm phải xây dựng và triển khai công tác diễn tập phòng, chống lụt bão vùng hạ du các hồ đập, đặc biệt là hồ chứa nước lớn như hồ Vực Mấu…

- Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, vấn đề đầu tư công trình luôn gặp khó khăn. Được biết đối với công trình ách yếu, Ngân hàng Thế giới đã có chương trình tài trợ để nâng cấp, còn các hồ nhỏ do địa phương quản lý thì như thế nào?

- Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, Chính phủ, hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã được Ngân hàng Thế giới (WB) có chương trình tài trợ vốn để tu sửa 27 công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh. Đây là những công trình ách yếu cần phải nâng cấp sớm. Tuy nhiên, hiện nay còn một số hồ nhỏ ở các địa phương có hiện tượng rò rỉ, thẩm lậu nguy cơ mất an toàn công trình khá cao. Chúng tôi đề nghị UBND các xã, huyện cần sử dụng kinh phí thủy lợi phí và ngân sách địa phương tu bổ công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cũng như đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sản xuất và dân sinh.

Trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!

Thu Huyền (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN