(Baonghean) - Hồi học cấp 3, trường mình có học sinh thuộc gần 100 quốc tịch khác nhau theo học. Thành ra cũng có nhiều ngày lễ khác thường. Lễ Giáng sinh cho học sinh theo đạo Thiên Chúa thì đã thành truyền thống ở châu Âu rồi, lại cả Lễ Năm mới cho học sinh Do Thái, Tết Âm lịch cho học sinh châu Á, rồi lễ Ramadan cho học sinh Ả Rập. Mỗi lần có ngày lễ truyền thống của văn hóa hay tín ngưỡng nào đó, ban giám hiệu lại tổ chức một bữa tối thân mật với học sinh theo đúng phong tục của họ. 
 
images900202_dsc03050.jpgKhông khí chuẩn bị Noel ở Linh địa Trại Gáo (nghi Phương, Nghi Lộc). Ảnh: PV
Thực ra mà nói, không gian và thời gian mà chúng ta sống tưởng như là duy nhất, nhưng vẫn có sự chênh lệch ít nhiều. Ví dụ, dương lịch ngày nay tuy rất phổ biến nhưng vẫn có những ngày, những tháng người châu Á chúng ta "sống" theo âm lịch. Cũng ánh mặt trời đó mỗi ngày, với chúng ta là mở đầu ngày làm việc, sinh hoạt, với người Ả Rập trong tháng Ramadan lại là tín hiệu bắt đầu nghi thức nhịn ăn, nhịn uống cho đến khi màn đêm buông xuống...Để thấy, tùy theo phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo mà chúng ta có cảm quan và nhận thức về thế giới - con người khác nhau. 
 
Không giống như những bầy đàn động vật khi đụng độ nhau là giết chóc, tranh giành quyền lợi, loài người có khả năng giao tiếp, truyền đạt và chia sẻ. Khả năng này vắt dài qua lịch sử nhân loại từ thuở hồng hoang, khiến cho các cộng đồng, xã hội riêng biệt giao thoa, sát nhập lại và lớn mạnh. Mấu chốt của quá trình xã hội hóa này là sự cảm thông, sống chung với nhau một cách nhân văn và tôn trọng. Lịch sử có thể chứng kiến những cuộc đồng hóa, diệt vong của một nền văn hoá bằng bạo lực nhưng thật ra, khi để cho mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên nhất, sự giao thoa văn hóa lại đạt hiệu quả cao và nhân văn hơn nhiều.
 
Không phải ngày một ngày hai mà người Việt Nam mình dành lịch âm cho những gì thuộc về phong tục, tín ngưỡng để hòa vào dòng chảy thời đại của bộ lịch dương. Cũng không phải tự nhiên mà những tín ngưỡng, tôn giáo sinh ra rồi phát triển lớn mạnh ngay đấy, mà là cả một quá trình hòa nhập, tiếp thu, sàng lọc và đan cài vào phông nền văn hoá, lịch sử bản địa. Để rồi chính những văn hóa mới mẻ ấy cũng khoác lên mình màu sắc của đất nước, con người mà chúng du nhập, góp phần vào cái chất, cái hồn của nơi chốn ấy. 
 
Văn hóa, tín ngưỡng là dòng chảy không ngừng vận động bởi con người không bao giờ ngừng vận động. Khao khát tìm ra cái mới nhưng cũng ao ước cháy bỏng chạm đến tận cùng của những thứ xung quanh mình, đó là quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Ta là ai?" và "Giữa những đồng loại của mình, ta là ai?". Bởi vì, chúng ta vừa khác biệt lại vừa giống nhau, nếu không thì xã hội sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Cũng như vậy, các văn hoá, tín ngưỡng tuy khác biệt nhưng có chung điểm xuất phát là lòng tin và điểm đến là những điều tốt đẹp mà con người hằng tìm kiếm. Nên cũng có thể nói, tôn giáo, tín ngưỡng chung của tất cả chúng ta là hi vọng và niềm tin. 
 
Hồi mình còn bé, Noel là cái gì đó thần thánh và bí hiểm. Bà mình, một người theo đạo Phật, bảo rằng Noel chỉ dành cho người theo đạo Thiên Chúa, còn mình thì cứ ngẩn ngơ nhìn cây thông Noel và những ngôi sao đèn nhấp nháy mà ao ước, ngưỡng mộ. Thế mà đến nay, ngày lễ Giáng sinh không chỉ giới hạn trong ranh giới của các tôn giáo, tín ngưỡng nữa mà đã dần len lỏi vào nhận thức của tất cả mọi người bất kể lương - giáo. Để hồng ân của bề trên không chỉ soi rọi con đường của những con chiên mà cũng tỏa ánh sáng ấm áp, chan hòa với những người lữ hành trên những con đường kế cận. Tất cả những con đường ấy rồi đây sẽ giao nhau ở những điểm mốc quan trọng của một xã hội: con người - gia đình - quê hương - đất nước. 
 
Hải Triều (mail từ Paris)