(Baonghean) - Có một nhà văn ví người vợ như tấm gương, ở đó ta có thể soi thấy con người mình một cách trung thực nhất. 

images1182769_nguyen_thanh.jpgẢnh: Nguyễn Thanh
1. Có một nhà văn ví người vợ như tấm gương, ở đó ta có thể soi thấy con người mình một cách trung thực nhất. Người đàn ông bước ra khỏi nhà với diện mạo chải chuốt, bóng bẩy, đẹp đẽ, và khi trở về, anh ta được quyền xấu xí. Anh có thể cau có, luộm thuộm, có thể nói những câu chẳng vừa lòng ai, có thể chân thành nhất với chính mình khi không phải khoác tấm áo hào nhoáng nặng nhọc của một người đàn ông với các mối quan hệ xã hội... Nhà văn ấy, với một chút hài hước, đã nói rất thú vị về gia đình: đó là nơi con người có thể trút bỏ mọi gánh nặng cuộc sống, nơi ta đối diện với con người thật của mình.
 
2.Cô bé ấy nói với cha: “Con muốn chết, đó là cách giải thoát tốt nhất cho cả nhà mình”. Người cha nuốt giọt nước mắt thương xót vào bên trong, dịu dàng nói với cô con gái tật nguyền: “Con biết không, hạnh phúc lớn nhất của bố mẹ chỉ là được nhìn thấy con mỗi ngày”. Và rồi mỗi sớm mai, mùa đông lạnh lẽo hay mùa hạ nóng nực, trời mưa như trút nước hay nắng như lửa đốt, ông vẫn cõng cô bé đến lớp. Có lẽ đôi lúc ông vẫn nhận thấy những giọt nước mắt của cô con gái đáng thương nhỏ xuống trên vai mình, nhưng với ông, được đồng hành với con mỗi buổi đến trường, được nhìn thấy nước mắt hay nụ cười trên gương mặt con mỗi ngày là niềm vui không gì đánh đổi được.
 
Câu chuyện có thực ấy cứ ám ảnh tôi mãi về cái điều vĩ đại được nó kể lại thật giản dị: gia đình và sự hy sinh vô bờ bến. Nơi mà sự tồn tại của người này có nghĩa là hạnh phúc, là lẽ sống của người kia. Nơi mà mọi tính toán, vụ lợi không bao giờ đặt chân được vào bên trong cánh cửa. Nơi mà ta cho đi, ta nhận được đều không mong đến sự đáp đền. Nơi mà mỗi cái tên gọi đều được cất lên giản dị mà xiết mấy thiêng liêng.
 
3.Một phần tuổi thơ tôi là những hành trình xa nhà. Cái đứa trẻ tôi khi đó, đã nhìn những ánh sáng đèn leo lét trong đêm để tự tìm cái cảm giác ấm cúng, gần gũi. Tôi cứ tưởng tượng ra sự quây quần, hay nét cặm cụi yêu thương bên ngọn đèn ấy: một gia đình ríu rít bên mâm cơm bốc khói, một người cha đang cúi xuống bên bàn học đứa con thơ, hay người mẹ tảo tần với mũi kim, đường chỉ... Chẳng phải đó là điều ai cũng từng có, chẳng phải đó là giấc mơ sum họp lúc ta chia xa? Và lớn lên, khi đã có cho mình một mái ấm, tôi càng hiểu: Gia đình ấy là ngọn đèn trong đêm đông buốt dẫn lối ta về, nơi mà tiếng kẹt cửa của ta trút được bao nhiêu gánh nặng lo âu trong những lồng ngực thổn thức đợi mong...
 
Biết mấy lỡ lầm, ta cũng chỉ mong có một nơi tha thứ.
 
Biết mấy vấp ngã, ta cũng chỉ có một nơi nương tựa vững bền
 
Biết mấy biển thẳm sông dài, bạc tóc rồi ta mới nhận ra không nơi nào rộng, sâu như tấm lòng, cha mẹ. 
 
Gia đình cũng là nơi mà ta nhận ra mình còn đáng sống trên thế gian. Cô bé tật nguyền khóc trên lưng cha và từng muốn chết cho cha mẹ bớt đi gánh nặng, nhưng rồi cô hiểu rằng sự sống của mình đáng giá biết bao với gia đình cô. Rằng khi yêu thương, những thứ lẽ ra là gánh nặng lại có thể hóa thành hạnh phúc...
 
T.V