Lôi kéo người thiếu hiểu biết
Nhiều tháng nay, trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo… xuất hiện hàng loạt bài đăng, lời mời gọi tham gia mạng xã hội Vitae. Không những trên không gian mạng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nghệ An, tại một quán café trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Vinh), một nhóm người “ăn mặc bảnh bao” thường tụ tập để trao đổi với nhau cách lôi kéo người tham gia. Với những lời lẽ “trên mây”, không ít người từ nông thôn đến thành thị đã cả tin, bỏ tiền để được tham gia vào mạng xã hội đầy rủi ro này.
Trong vai một "con mồi", phóng viên tiếp cận Hải (32 tuổi, trú ở TP. Vinh). Trên Facebook của Hải là những bài đăng liên tiếp về những “cơ hội làm tỷ phú” khi tham gia mạng xã hội Vitae. Sau vài câu trao đổi ngắn, Hải cho biết đã tham gia mạng xã hội này từ 3 tháng nay.
Đúng như những gì mà chúng tôi đã đọc được trên trang web chính của trang mạng xã hội này tại Việt Nam, Hải cho biết Vitae là một nền tảng truyền thông xã hội hay còn được gọi là mạng xã hội phân quyền.
Mạng xã hội Vitae được thành lập tại Thụy Sĩ bởi Michael Weber cùng các cộng sự, ra mắt vào ngày 26/12/2018 và hoạt động trên toàn cầu.
“Tuy nhiên, khác với những ông lớn trên thị trường mạng xã hội hiện tại, Vitae trả tiền cho người dùng hàng tháng. 90% lợi nhuận được chia sẻ cho người tham gia, công ty chỉ lấy 10% thu nhập từ quảng cáo. Có người thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng nhờ tham gia mạng xã hội này”, Hải nói vanh vách với giọng điệu đầy tự tin.
Hải sau đó kể về 4 loại ma trận để người dùng được nhận tiền về. Tuy nhiên, khi chúng tôi tỏ vẻ khó hiểu, Hải nói: “Chẳng cần hiểu. Chỉ cần có tiền về là được. Tham gia lâu rồi cũng sẽ hiểu”. Theo Hải, có 2 cách để người dùng lấp đầy hệ thống ma trận thu nhập của mình, cách thứ nhất đó chính là mời thêm người tham gia. Cách thứ hai là mua các vị trí trống trong ma trận của chính mình. Và đương nhiên, để bắt đầu kiếm tiền trên Vitae, người dùng sẽ phải bỏ ra 200 USD phí gia nhập.
Khi chúng tôi tỏ vẻ chần chừ, Hải liền nhấc điện thoại gọi thêm một người khác đến và giới thiệu người này thu nhập gần 100 triệu mỗi tháng nhờ tham gia mạng xã hội này. Cả 2 sau đó liên tục kể về những người này, người nọ có thu nhập khủng nhờ Vitae.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi bao giờ thu hồi được số tiền đó thì Hải bắt đầu lúng túng. Bởi toàn bộ số tiền này đều là tiền ảo Vitae coin chứ không phải bằng tiền mặt. Khi chúng tôi hỏi tiếp, nguồn tiền ở đâu để Vitae có thể trả số tiền khủng cho người dùng, Hải cho biết đó là nguồn từ quảng cáo. Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra thông tin chứng minh trang chủ của Vitae dù đã thành lập được 2 năm nhưng chỉ có 4.000 lượt truy cập mỗi ngày. Đây là con số quá ít ỏi với một mạng xã hội để có thể kiếm tiền nhờ quảng cáo, cả 2 người đều ú ớ. Sau một loạt câu hỏi khó của chúng tôi, cả 2 người lặng lẽ “rút lui” khỏi quán café.
Một hình thức lừa đảo
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Nghệ An, một cán bộ Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc mạng xã hội đưa ra hứa hẹn chi trả tới 90% doanh thu cho người dùng là một điều cực kỳ phi lý. Tỷ lệ doanh thu cao như thế này thường chỉ thấy ở các dự án lừa đảo như Crowd1 (80%), MyAladdinzs (80%)... mà Bộ Công an vừa phát cảnh báo tới người dân.
“Với việc không có khách hàng quảng cáo, không có nhà đầu tư thì Vitae lấy tiền từ đâu để trả cho người dùng? Rất dễ dàng nhận ra Vitae có dấu hiệu đi theo mô hình Ponzi, lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước, một phương thức lừa đảo đa cấp đang rất phổ biến”, vị cán bộ này nói thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do đưa ra mức lợi nhuận khủng nên mạng xã hội này đã thu hút rất nhiều thành viên đăng ký tham gia. Chỉ cần gõ tên Viate tìm kiếm trên Facebook, dễ dàng thấy hàng loạt nhóm với hàng nghìn người tham gia chuyên về mạng xã hội này. Trong các nhóm đó, hầu hết các thành viên đều khoe số tiền trong tài khoản tăng lên hàng ngàn USD/tháng, nhưng việc thu hồi vốn ra sao thì không nghe ai nhắc đến.
Không chỉ Vitae, hiện nay còn hàng loạt hình thức huy động vốntương tự khác cũng đang nở rộ, chuyên đi lôi kéo người dân tham gia. Có thể kể đến như Chilimall - một sàn thương mại điện tử - đang rầm rộ lôi kéo người tham gia bằng lời chào mời hấp dẫn: “Mùa dịch Covid-19, kiếm ngay 50 triệu đồng/tháng tại nhà”. Đây là ứng dụng mua bán mà người tham gia chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, đăng ký tham gia và đăng sản phẩm muốn bán lên đây. Tuy nhiên, mỗi thành viên tham gia phải đóng phí theo mức từ vàng, bạc đến kim cương để mua đồng tiền mã hóa có tên là siling, sau đó dùng đồng siling này để mua sản phẩm trên Chilimall…
Hay như trang web onelinknetwork.com cũng đang kêu gọi giới trẻ đầu tư bằng hình thức sinh lời thông qua tiền điện tử có tên OneLink Coin, người tham gia lôi kéo càng nhiều người thì hưởng hoa hồng càng lớn…
Cũng theo vị cán bộ Phòng An ninh kinh tế, các khoản tiền của người tham gia vào các dự án như Viate, Chilimall… không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện website.
Tại Nghệ An, từ những năm 2016, với cơn sốt tiền ảo Bitcoin trên thế giới (Bitcoin đồng tiền ảo hiếm hoi được một số nước và tổ chức trên thế giới thừa nhận), nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã âm thầm tới Nghệ An để tổ chức hội thảo, lôi kéo người dân tham gia đầu tư vào tiền ảo, đặc biệt là loại tiền ảo Onecoin. Loại tiền có xuất xứ từ Bulgaria, với giá trị mà những người chơi tự mặc định, mỗi đồng khoảng 0,2 euro này hoạt động theo hình thức đa cấp, người chơi sẽ có được một khoản “hoa hồng” nếu lôi kéo được người tham gia.
- Đưa ra những lời có cánh và những câu chuyện không tưởng để tẩy não người tham gia như: "Không cần làm gì vẫn giàu", "Chỉ cần tham gia một thời gian anh/chị có muốn nghèo cũng khó", "Anh/chị có ước mơ, khát khao làm giàu không", "Câu chuyện về cậu bé dân tộc không biết gì về công nghệ nhưng đã làm giàu bằng MyAladdinz"...
- Tổ chức các cuộc hội thảo chia sẻ cách làm giàu, cho nhà đầu tư tham quan du lịch nước ngoài bằng tiền của nhà đầu tư (mà họ không hề biết).
- Đánh bóng tên tuổi: Các dự án đa cấp sẽ khéo léo sử dụng tên tuổi của những người nổi tiếng để đánh bóng tên tuổi của họ (ví dụ như My Aladdinz lợi dụng một cách khéo léo hình ảnh của những người nổi tiếng như Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Robert Kiyosaki - tác giả cuốn sách “Cha giàu, Cha nghèo”, để đánh bóng thương hiệu, tạo sự uy tín đối với các nhà đầu tư.
- Tuyển đại lý cấp dưới để hưởng hoa hồng, càng nhiều cấp thì hưởng càng nhiều.