Thấp thỏm cầu treoXốp Nhị
Cầu treo Xốp Nhị bắc qua sông Nậm Mộ là điểm nút giao thông quan trọng của huyện miền núi Kỳ Sơn trong việc kết nối từ Quốc lộ 7 đi các xã phía Bắc của huyện như Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng.
Cầu được xây dựng năm 1984, phục vụ việc đi lại, thông thương hàng hóa cho khoảng 10.000 người dân của các xã nói trên.
Sau 36 năm hoạt động, cầu treo Xốp Nhị bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Hệ cáp treo bị kéo lệch tâm, ma sát với thành cầu, tạo nên những vết ăn sâu vào thành cầu. Hố neo cáp cũng bị sụt lún, nghiêng lệch.
Cuối năm 2013, Sở Giao thông Vận tải đã kiểm tra đánh giá hiện trạng toàn bộ cầu treo đang khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh và kết luận cầu Xốp Nhị là 1 trong 30 cầu đã bị hư hỏng và cần phải được sửa chữa.
Đến năm 2018, trận mưa lũ vào tháng 10 khiến mố cầu phía Bắc bị sạt lở dần, nhiều lớp đất đá bị cuốn trôi, có điểm nứt nẻ dài 7m, khoét sâu hàm ếch. Năm 2019, UBND huyện Kỳ Sơn đã chi 120 triệu đồng để khắc phục điểm nứt, sạt lở này. Tuy nhiên, hiện nay ở phía Nam cầu Xốp Nhị lại xuất hiện một đoạn sụt lở lớn do dòng Nậm Mộ đổi dòng. Trong điều kiện mưa lũ lớn, kéo dài, đoạn sạt lở này rất có thể lan rộng, gây nguy hiểm, xói lở mố cầu Xốp Nhị.
Để đảm bảo an toàn giao thông, xã Hữu Kiệm đã ra thông báo nghiêm cấm xe trọng tải lớn đi qua cầu và đã dựng thanh chắn ngang hạn chế xe có tải trọng lớn. Xã chỉ cho phép xe máy, ô tô nhỏ được phép lưu thông qua đây. Song việc chấp hành của người dân không tốt. Nhiều xe chở hàng có tải trọng vượt quá quy định qua cầu của địa phương vẫn ngang nhiên qua cầu, thậm chí có tình trạng phá hoại thanh chắn để “thông” cầu.
Anh Ngô Văn Thắng, bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập đã “cưa" thùng để xe tải cỡ nhỏ của mình có thể vượt qua thanh chắn hạn chế chiều cao. Anh Thắng cho hay: “Xe chở hàng ngoài cưa thùng còn phải thực hiện tăng bo nhiều lần. Vì mưu sinh nên phải liều mình băng qua cầu...”.
Hằng ngày, cây cầu Xốp Nhị phải oằn mình cõng một lượng lớn hàng hóa và người qua lại ngày càng tăng bởi nhu cầu phát triển của các xã phía Bắc của huyện Kỳ Sơn.
Bí thư Đảng ủy xã Bảo Nam Cụt Thanh Hoài cho biết: “Thời gian gần đây, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà cửa, phát triển kinh tế của địa phương ngày một tăng, nhưng việc vận chuyển, thông thương nông sản, trâu, bò, hàng hóa thiết yếu, vật liệu xây dựng… ra vào địa bàn gặp khó, do tại cầu treo Xốp Nhị xe vận tải có tải trọng lớn không đi qua được”.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri mà gần đây nhất là vào ngày 7/10/2020, cử tri Kỳ Sơn đã đề nghị các cấp thẩm quyền sớm xây mới cầu bê-tông thay thế cầu treo Xốp Nhị này.
Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông trong vùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho Nhân dân, đảm bảo an ninh, trật tự cho các xã như Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng... huyện Kỳ Sơn đang tiến hành lập hồ sơ dự án xây dựng cầu Xốp Nhị mới để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 68 cầu treo dân sinh. Sở Giao thông Vận tải Nghệ An đã tiến hành tổng kiểm tra và đánh giá, tính đến thời điểm hiện tại có hơn 30 cầu treo tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi xảy ra tình trạng như: Mặt sàn bị xê dịch, hư hỏng, hoen gỉ, bong múi hàn, ốc bị rơi rớt, gãy lan can, cáp chủ bị khô; thiếu thanh chắn hạn chế chiều cao và biển cấm hạn chế trọng tải qua cầu…
Việc thay thế cầu treo Xốp Nhị nói riêng và các cầu treo dân sinh khác bằng cầu cứng là rất cấp thiết; nếu không, những sự việc đáng tiếc, đau lòng như vụ tai nạn làm chết 5 người trên cầu treo bắc qua sông Giăng, thuộc xóm Chợ Chùa, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương rất có thể lặp lại.
Cầu tạm dân sinh nay làm, mai hỏng
Ở miền Tây Nghệ An, không riêng gì cầu treo mà còn rất nhiều cầu tạm dân sinh đã, đang bị hư hỏng nặng nề, rơi vào tình cảnh “nay làm, mai hỏng". Tại bản Tùng Hốc, xã vùng lõm Hữu Khuông, huyện Tương Dương cũng có một cây cầu như vậy.
Cầu được người dân dựng tạm bằng gỗ, bắc qua những tảng đá to trên dòng suối Chà Lạt, phục vụ việc đi lại của 83 hộ dân người Khơ Mú ở bản. Ông Lô Văn Tình - Trưởng bản Tùng Hốc cho biết: “Con đường từ Tùng Hốc ra trung tâm xã là độc đạo, phải đi qua suối Chà Lạt. Để phục vụ việc đi lại thuận tiện. Bà con bản đã tự làm cầu bằng gỗ, nằm sát mặt nước, băng qua bề rộng của suối là 15m. Mỗi ngày cây cầu tạm này có khoảng trung bình 600 lượt người qua lại. Ngày khô nắng ráo, cầu hoạt động tốt. Nhưng mùa mưa lũ, nước lũ dồn về cuốn trôi mất cầu. Mỗi năm, người dân Tùng Hốc lại 5 - 6 lần phải làm lại cầu”.
Ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông than thở: “Xã có 606 hộ dân, 2.668 người, cư trú ở 7 bản, đường sá giao thông cực kỳ khó khăn. Những năm qua, tỉnh và huyện rất quan tâm, đang cho mở đường liên xã để giúp phát triển địa phương. Nhiều con đường, cây cầu đang được xây dựng. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư có hạn thì các cây cầu tạm dân sinh nội bản, bản nối bản đang gặp bế tắc. Hiện xã Hữu Khuông đang cần 2 cây cầu kiên cố thay cho 2 cầu tạm ở bản Tùng Hốc và bản Xàn, thế nhưng ngân sách xã chưa cho phép”.
Tương tự với tình cảnh của Tùng Hốc, mỗi khi mùa mưa lũ về, 35 hộ dân với gần 100 người Đan Lai ở bản Thỉn, xã Lục Dạ (Con Cuông) thường bị cô lập khi có mưa lũ. Tình trạng này diễn ra suốt 30 năm qua và cũng ngần ấy thời gian, bà con luôn mong mỏi có một cây cầu kiên cố.
Bản Thỉn cách trung tâm huyện Con Cuông gần 10 km và cách không xa tuyến đường nhựa vào điểm du lịch Thác Kèm, nhưng do bị chia cắt bởi núi rừng và khe suối nên bản Thỉn gần như biệt lập với bên ngoài, cuộc sống hết sức khó khăn.
Ông La Lý, 55 tuổi, người dân bản Thỉn cho hay: “Để khắc phục tình trạng này, người dân bản làm tạm cầu gỗ nhưng cứ mỗi lần mưa bão, cầu lại bị cuốn trôi. Mới đây nhất, trận mưa lớn ngày 19/9/2020 lại cuốn mất cầu. Dân bản đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa có phương án khả thi để xây dựng cầu”.
Mùa mưa lũ về, miền Tây Nghệ An lại đang “khát” những cây cầu kiên cố để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã có nhiều sự đầu tư xây dựng đường giao thông, cầu; cũng đã có rất nhiều tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ làm cầu, tạo đà cho các địa phương của tỉnh phát triển... thế nhưng, trong điều kiện nguồn lực địa phương có hạn và việc hỗ trợ, giúp đỡ chưa tập trung nên số lượng cầu vẫn chưa đáp ứng mong mỏi của người dân./.