(Baonghean) - Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2030 quy định giới hạn an toàn về nợ, bao gồm: nợ công dưới 65% GDP và nợ Chính phủ dưới 55% GDP. Qua diễn biến tình hình nợ cho thấy, các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ năm 2012 tương ứng bằng 55,6% GDP, năm 2013 là 56,2% GDP, năm 2014 là 59,6% GDP và năm 2015 là 61,3% GDP..
Theo đó, nợ công vẫn được duy trì trong giới hạn các chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, để công tác này thực sự minh bạch và hiệu quả, việc kiểm toán công tác quản lý nợ công có vai trò ý nghĩa quan trọng.
Theo quy định của pháp luật, cơ sở pháp lý và căn cứ để kiểm toán công tác quản lý nợ công đã được xác định khá cụ thể thông qua nhiều văn bản như Luật Kiểm toán nhà nước, Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và các văn bản liên quan tới quản lý nợ công,… khi tiến hành kiểm toán nợ công, nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu quả của công tác quản lý nợ công. Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã bước đầu xây dựng được mục tiêu, nội dung và phương pháp tổ chức kiểm toán cụ thể và phù hợp để triển khai kiểm toán công tác quản lý nợ công ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc kiểm toán quản lý nợ công hầu như chưa nhận được sự quan tâm chú trọng đúng mức, cho đến năm 2011, lần đầu tiên KTNN đã bắt đầu và dần đưa nội dung kiểm toán công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính như là một nội dung kiểm toán chi tiết trong nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN hàng năm.
Tại Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, các phòng chức năng được bố trí và phân công chức năng nhiệm vụ tương đối phù hợp và theo cách tiếp cận phổ biến trên thế giới. Kết quả kiểm toán đã đánh giá Bộ Tài chính thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, còn báo cáo thừa, thiếu một số khoản vay, đã phát hiện và chỉ ra nhiều tồn tại, bất hợp lý đặc biệt là sự phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, còn chồng chéo, sự phối hợp chưa chặt chẽ trong công tác tổ chức quản lý nợ công hiện nay, dẫn đến làm giảm hiệu quả công tác quản lý nợ và kiến nghị các giải pháp hoàn thiện.
Bên cạnh đó, KTNN cũng đã chỉ ra một số những tồn tại, bất cập trong các quy định, chính sách liên quan tới một số khía cạnh cụ thể của công tác quản lý nợ công, đồng thời đưa ra những kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện chính sách.
Nhìn chung, thông qua hoạt động kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, KTNN đã đưa ra một số ý kiến mang tính cảnh báo đối với tình hình vay nợ của ngân sách địa phương từ đó thu hút sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và công chúng. Các thông tin về vay nợ của ngân sách địa phương mà KTNN đưa ra mặc dù còn rất khiêm tốn và mới tập trung vào các nhận xét, đánh giá nhưng đã góp phần tạo ra được sự quan tâm của Quốc hội, các cơ quan chức năng và dư luận, công chúng đến tình hình vay nợ của ngân sách địa phương trong tổng thể nợ công.
Thông qua đó góp phần tạo ra thông tin để cảnh báo tình hình quản lý nợ công, góp phần thúc đẩy các cơ quan quản lý nợ có biện pháp quản lý tốt hơn.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Minh Giang, mặc dù đã có những kết quả đạt được trong kiểm toán các khoản nợ công nhưng vẫn còn nhiều hạn chế mà KTNN cần phải quan tâm và tập trung khắc phục để có thể kiểm toán các khoản nợ công một cách đầy đủ theo các thông lệ hiện hành.
Có thể thấy một số yếu kém, hạn chế trong kiểm toán nợ công: Mặc dù quá trình kiểm toán quyết toán NSNN có sự lồng ghép đánh giá về vay nợ Chính phủ và nợ công (sau khi có Luật Quản lý nợ công) nhưng cho đến cuộc kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 cho niên độ ngân sách 2013 thì KTNN cũng chưa xác nhận được số liệu nợ công hàng năm; chưa đưa ra được ý kiến tầm vĩ mô để giúp các cơ quan của Chính phủ hoàn thiện công tác quản lý nợ. Và dù việc quản lý nợ công ở Việt Nam còn nhiều bất cập nhưng KTNN chưa đưa ra được những ý kiến quan trọng nhằm hoàn thiện công tác quản lý nợ công.
Nhiều vấn đề về quản lý nợ công đang có sự khác biệt xa so với chuẩn mực quản lý nợ công mà các tổ chức quốc tế ban hành nhưng chưa được KTNN phát hiện và kiến nghị để có cơ chế quản lý thích hợp.
Bên cạnh đó, quá trình kiểm toán, KTNN mới chỉ đi sâu vào tính tuân thủ của việc vay nợ mà chưa đưa ra ý kiến về tình hình quản lý để các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và thậm chí là công chúng biết để có biện pháp sửa đổi cần thiết với các điều khoản luật định; chưa đi sâu đánh giá tình hình, cơ cấu, chi phí và hạch toán các khoản nợ công nhằm hạn chế rủi ro tài chính trong vay nợ.
Nhiều vấn đề về quản lý không được đề cập như cơ cấu vay nợ, nguồn vay nợ, tính bền vững của việc vay nợ, chi phí vay nợ, công tác hạch toán, cơ chế quản lý vay nợ... Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là liệu số liệu nợ có chính xác hay không? có được hạch toán đầy đủ hay không? cách thức hạch toán đã theo các thông lệ chung của quốc tế để đảm bảo tính so sánh hay không? công tác quản lý nợ như thế nào? việc thiết lập thể chế quản lý nợ ra sao? chi phí vay nợ và mục đích sử dụng các khoản vay nợ ra sao?... chưa được đề cập một cách đầy đủ.
Đây là khoảng trống trong kiểm toán nợ công của KTNN trong những năm qua cần có biện pháp tháo gỡ, khắc phục - Phó vụ trưởng Nguyễn Minh Giang nhận xét.
Sông Hồng