Tăng thẳng đứng rồi lao dốc không phanh bất chấp diễn biến của giá vàng thế giới là diễn biến chính của thị trường vàng mấy ngày qua. Đây là điều hiếm thấy trên thị trường kim loại quý trong hơn 3 năm qua.

Tâm lý đám đông

images1615650_fica_2181425703352.jpgẢnh minh họa. Nguồn Internet

Dư chấn của sự kiện Brexit đã “thổi bùng” thị trường vàng thế giới và trong nước. Ngay trong ngày 24/6, giá vàng trong nước đã tăng thẳng đứng và đánh dấu mức cao nhất trong 10 tháng. Cơn sốt vàng lên đến đỉnh vào hai ngày 6 và 7/7 vừa qua. Kim loại quý trong nước đã chạm mốc 37 triệu đồng/lượng sau khi công phá mốc 36 triệu đồng trong tuần  trước. Phiên giao dịch ngày 6/7 đã đem lại cảm giác bất ngờ khi mở cửa ngày giao dịch, giá vàng tăng 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước. Không dừng ở đó, giá vàng tiếp tục được đẩy lên trước sự ngỡ ngàng của các nhà đầu tư khi cuốn bay mốc 39 triệu đồng/lượng và có xu hướng tiến sát đỉnh 40 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất được thiết lập kể từ tháng 6/2013.

Hoang mang trước những thông tin đa chiều, trên thị trường hình thành tâm lý chạy theo đám đông hỗn độn với “người bán, kẻ mua”. Giới kinh doanh vàng cho biết, dù khách đến nườm nượp nhưng giao dịch không có đột biến, chủ yếu vẫn là các giao dịch tích trữ nhỏ lẻ.

Tâm lý của người dân ít chịu tác động bởi diễn biến tăng của giá vàng, phản ánh qua số liệu về doanh số mua, bán vàng trong tuần sau sự kiện Brexit so với tuần trước đó tăng không đáng kể. Tuy nhiên, từ chiều ngày 5/7/2016 đến 6/7/2016, giá vàng trong nước có xu hướng tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới.

Diễn biến này tác động đến tâm lý của thị trường, một số người có xu hướng chưa bán vàng ngay ra thị trường gây thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Mặc dù vậy, khối lượng vàng giao dịch trên thị trường không tăng đột biến, không có tình trạng người dân xếp hàng, đổ xô đi mua vàng như những thời kỳ trước đây.

Ngay tối 6/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp cơ quan này có đủ nguồn lực và sẵn sàng can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng. Và chỉ sau một đêm người “chơi vàng” đã lỗ nặng nếu mua vào lúc đỉnh điểm của ngày hôm trước bởi giá vàng đã lao dốc không phanh bất chấp giá thế giới. 

Cần có “cái đầu lạnh”

Trong ngày 6/7, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn lúc mở cửa là 37,45 - 38,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) và giá kim loại quý này đóng cửa tại mức 38,7 - 39,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Sang ngày 7/7, khi giá vàng lao dốc không phanh, người mua vàng vào lúc đỉnh điểm phải chịu lỗ gần 3 triệu đồng/lượng. 

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thuộc NHNN nhận định, qua theo dõi diễn biến của thị trường vàng quốc tế và trong nước, cơ quan này thấy rằng giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, từ sau sự kiện Brexit cho đến sáng ngày 5/7/2016, giá vàng trong nước tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá vàng thế giới nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới (có ngày thấp hơn 800 nghìn đồng/lượng).

“Như vậy, biến động thị trường như đã nêu trên chỉ là biến động nhất thời, chưa có xu hướng rõ ràng. Những thông tin đa chiều từ thị trường thế giới đã tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Nhiều chuyên gia liên tục cảnh báo các nhà đầu tư và người dân nên thận trọng để tránh bị thua thiệt. Do vậy, người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình, tránh những rủi ro không đáng có gây thiệt hại cho bản thân như giai đoạn trước đây” - người đứng đầu Vụ Quản lý ngoại hối khẳng định.

Diễn biến của thị trường cũng cho thấy, tâm lý đám đông dường như đã thắng thế và nó đã bị dẹp bỏ khi có sự vào cuộc của nhà quản lý. Điều đó cũng nhắc nhở những ai ham “chơi vàng” hãy thận trọng. Nếu làm phép tính có thể thấy, “lướt sóng” hay đầu cơ vàng trong vài ngày qua hưởng lợi thì ít mà rủi ro thì cao.

Giá kim loại quý vẫn được dự báo sẽ tăng cao nhưng “thận trọng” và cần “cái đầu lạnh” là điều mà giới phân tích khuyên người “chơi vàng” lúc này. Những dự báo chỉ nên tham khảo và những ai mạo hiểm “ôm” vàng vào thời điểm cuối năm 2012 khi kim loại quý này tiến sát 50 triệu đồng/lượng sẽ “thấm thía” bài học này.

Bởi khi ấy, những đồn đoán vàng sẽ tăng đến 5.000 USD/ounce đã “thổi” giá vàng trong nước tiến sát 50 triệu đồng/lượng. Sự kỳ vọng cao đã khiến nhiều người bất chấp mua vàng ở mức đỉnh của mọi thời đại.  Để rồi kể từ đó đến nay giá kim loại quý này đã trượt dài dưới ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng chưa khi nào “chạm” mốc 2.000 USD/ounce.

Theo Báo Đấu thầu

TIN LIÊN QUAN