(Baonghean) - Trước thông tin gừng Trung Quốc có chứa hóa chất bảo quản độc hại, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại thu mua sản phẩm gừng trong nước nên đã đẩy giá gừng trong nước lên cao. Những ngày cuối tháng 5, hoạt động mua bán gừng trên địa bàn Kỳ Sơn diễn ra sôi động, doanh nghiệp khắp nơi đã tìm về Kỳ Sơn thu gom gừng, đẩy giá gừng từ 3.000 đồng/kg - 3.500 đồng/kg lên 7.000 đồng/kg (giá ngày 31/5).

Phòng Công thương huyện Kỳ Sơn cho biết, tuần cuối tháng 5, trung bình mỗi ngày có trên 200 tấn gừng được các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn chở đi tiêu thụ. Giá gừng cứ nhích lên từng ngày, làm cho nhiều người bán hôm trước, hôm sau thấy tiếc rẻ. Ngay cả Hợp tác xã Hương Sơn, một đơn vị thường xuyên thu mua gừng trên địa bàn huyện, trước đây từng phải đưa gừng đi khắp nơi rao bán cũng choáng ngợp trước sự tăng nhanh của giá gừng.

Ông Nguyễn Văn Luân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hương Sơn, cho biết: “Giá gừng lúc xuống thê thảm không ai mua, chúng tôi đi chào hàng khắp nơi mà ít người đặt hàng. Nhưng khi gừng nội “lên ngôi” thì trong vài ngày qua, rất nhiều doanh nghiệp đã đánh xe lên trực tiếp thu mua, làm giá gừng lên nhanh, chúng tôi cũng phải nâng giá thu mua. Vì giá tăng nhanh nên có hai bản hợp đồng hợp tác xã ký thu mua hôm qua thì hôm nay đã lỗ do giá các doanh nghiệp khác vào tranh mua nâng giá lên...”.

796162_small_97800.jpg

                                                 Thu mua gừng ở Kỳ Sơn.

Công ty TNHH Đragông là một trong những doanh nghiệp thường xuyên thu mua gừng trên địa bàn Kỳ Sơn thông qua đầu mối Hợp tác xã Hương Sơn. Nhưng lần này, trước việc nhiều công ty trong Nam, ngoài Bắc tập trung mua gừng, đích thân ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc công ty, đã từ Hà Nội trực tiếp về chỉ đạo công tác thu mua. Qua công tác phối hợp với Hợp tác xã, các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn, công ty của ông Hiệp đã mua được trên 800 tấn gừng xuất khẩu.

Còn bà Nguyễn Hoài Khuê- Giám đốc công ty TNHH Đương Đại cùng 4 nhân viên đã từ TP Hồ Chí Minh ra Kỳ Sơn, trực tiếp thu mua, thuê người chọn lựa gừng, đóng bao và thuê xe chở hàng đi xuất khẩu. Hoạt động mua bán gừng trên địa bàn Kỳ Sơn vì vậy diễn ra sôi động với tiền mặt được thanh toán nhanh, không có tình trạng các doanh nghiệp chậm tiền mua hàng của các tiểu thương như trước đây. Hiện tại, giá gừng trên địa bàn Kỳ Sơn tăng hơn nhiều so với những tháng đầu năm 2013 và cả năm 2012. Mặc dù giá chưa bằng đỉnh điểm của những năm trước (có thời điểm cuối năm 2010, đầu 2011, giá gừng trên 20.000 đồng/kg), nhưng đây là cơ hội tốt để người dân trên địa bàn đang “giam” gừng trong đất có thể thu hoạch, bán và bước vào một chu kỳ trồng mới.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2013 trên địa bàn Kỳ Sơn có trên 8.000 tấn gừng củ. Từ đầu năm đến nay, trên 6.500 tấn gừng đã được thu hoạch. Có một thời gian, do giá xuống thấp nên nhiều người trồng gừng không thu hoạch, cứ để trên rẫy. Quá trình đó, có một lượng lớn gừng già bị thối, làm giảm sản lượng. Thời điểm hiện tại đã cuối mùa gừng nên số lượng còn lại chủ yếu tập trung ở một số địa bàn xa của xã Na Ngoi, nơi có diện tích gừng lớn nhất huyện Kỳ Sơn với trên 250 ha.



                   Gừng Kỳ Sơn được đánh giá là nhiều thịt, ít xơ, thơm ngon.

Từ thị trấn Mường Xén vào trung tâm xã gần 70 km, đường khó đi nhưng các doanh nghiệp đã đưa xe vào thu gom gừng từ các bản làng vùng giáp biên. Cùng với vợ con thu hoạch 2 sào gừng còn lại, anh Vừ Chứ Xo ở bản Kẻo Bắc (Na Ngoi) tâm sự: “Năm nay ta trồng khoảng 4-5 sào gừng, ra tết giá rẻ nhưng cũng phải bán hơn một nửa để mua gạo, thức ăn. Giờ thu hoạch hết luôn. Nếu thu hoạch đúng mùa thì mỗi sào có năng suất khoảng 1,4 tấn, nhưng giờ gừng bị thối đi một ít rồi. Cả khu vực còn lại chỉ khoảng hơn 2 tấn thôi…”. Với giá gừng thu mua tại bản 6.500đ/kg, gia đình anh Xo thu được gần 13 triệu đồng để tái sản xuất và chi tiêu cho cuộc sống.

Liên quan đến vấn đề đầu ra cho sản phẩm gừng, ông Trần Văn Hòa - Trưởng Phòng Công thương huyện Kỳ Sơn, cho rằng: “Để có được sản phẩm gừng như hiện nay, các ban, ngành huyện Kỳ Sơn đã hỗ trợ bà con rất nhiều về giống, kỹ thuật chăm sóc. Có giai đoạn giá gừng cao nên bà con tự phát triển, nâng diện tích lên trên 700 ha. Nhưng từ năm 2012 đến nay, do giá xuống thấp nên diện tích lại giảm xuống còn 350 ha. Hiện nay, tiêu thụ gừng ở Kỳ Sơn hoàn toàn phụ thuộc vào các bạn hàng ngoài nước. Nhu cầu như thế nào, cần bao nhiêu gừng(?) Ở góc độ này các phòng ban chức năng của huyện cũng không nắm được chứ chưa nói đến đồng bào vùng cao…”.

Rõ ràng, khi giá thu mua gừng tăng lên, đồng nghĩa với việc đồng bào trồng gừng ở Kỳ Sơn có cơ hội tăng thêm thu nhập từ những đồi gừng năng suất, nhưng cơ hội đó, về lâu dài vẫn đang là điều đáng quan tâm. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp thì cây gừng ở Kỳ Sơn có thể phát triển theo hướng vừa tăng diện tích vừa thâm canh, tăng năng suất. Nhưng mấu chốt của vấn đề là đầu ra chưa ổn định. Mong muốn của chính quyền và người dân là các doanh nghiệp, hợp tác xã chung tay giúp đồng bào Kỳ Sơn xây dựng thương hiệu gừng, từ đó hướng dẫn bà con đầu tư thâm canh, tăng năng suất và xem đây là một trong những hướng phát triển sản xuất ổn định, góp phần thoát nghèo bền vững ở Kỳ Sơn.


Nguyên Sơn