(Baonghean) - Thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và chính sách thu hút trí thức trẻ về tham gia tổ công tác tại các xã nghèo theo Nghị quyết 30a, ba huyện miền núi cao Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong được bổ sung 26 phó chủ tịch UBND xã và 173 cán bộ là những trí thức trẻ, được đào tạo cơ bản. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn đã vượt các "cửa ải" ban đầu để khẳng định "vàng" đã qua lửa...
Tự khẳng định...
Vượt qua nhiều vùng quê nghèo ở trên các vùng núi cao như Huồi Tụ, Phà Đánh (Kỳ Sơn), Xiêng My, Nga My, Yên Na, Thạch Giám, Tam Thái (Tương Dương) để gặp những Và Bá Lỳ, Nguyễn Đình Tài, Chu Văn Hùng, Nguyễn Thị Hương, Lương Thị Hiên, Nguyễn Thị Giang, Vi Thị Nhâm, Vi Viết Kiều... chúng tôi cảm nhận được trong ánh mắt của những người trẻ này lấp lánh niềm vui bởi đã phần nào khẳng định được khả năng của mình với cán bộ, nhân dân nơi công tác.
Nguyễn Đình Tài (sinh năm 1987) - cử nhân khoa Nuôi trồng thủy sản Trường Đại học Hồng Đức, quê ở xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, được bố trí về công tác tại xã Phà Đánh với cương vị Phó Chủ tịch xã. Trước khi bầu chức danh Phó Chủ tịch xã, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn đã về Phà Đánh giải thích ý nghĩa mục đích của Dự án 600 phó chủ tịch xã, làm công tác tư tưởng, nhưng khi bầu số phiếu của Tài không quá 50%, và nói như ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn: Phải đến phút chót mới vượt qua...
Biết cán bộ, nhân dân Phà Đánh chưa có niềm tin ở mình, Tài xác định đấy là một việc hiển nhiên sẽ xẩy ra, và đây sẽ là "cửa ải" đầu tiên em phải quyết tâm vượt qua. Nguyễn Đình Tài đã làm từ những việc nhỏ nhất như soạn thảo văn bản, hướng dẫn cho các cán bộ sử dụng thành thạo máy vi tính... Đồng thời, em dành nhiều thời gian xuống cơ sở gặp gỡ cán bộ, nhân dân để nắm bắt tình hình thực tế của địa phương. Qua thời gian, Tài hòa mình với cuộc sống nơi vùng cao xa xôi, Tài đã làm cho người dân và đội ngũ cán bộ xã Phà Đánh thay đổi cách nhìn với mình.
Thời điểm cuối tháng 8/2012, một trận bão lũ lớn đã làm nhiều khu vực ở Phà Đánh bị chia cắt. Bản của Chủ tịch UBND xã bị lụt cục bộ, vì thế không thể trực tiếp chỉ đạo khắc phục thảm họa bão lũ gây ra và Nguyễn Đình Tài đã được chỉ định thay thế. Tài đã nhanh chóng huy động cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn cùng tham gia thông đường, hỗ trợ các gia đình có nhà cửa bị hư hại, tháo nước những nơi bị lụt cục bộ... Sau trận lũ, uy tín của Tài đã được nâng thêm một bậc. Ở Phà Đánh xẩy ra một số tệ nạn gây mất an ninh trật tự, nhưng vì có sự nể nang con em cán bộ nên không được xử lý dứt điểm. Tài đề nghị với Đảng ủy, Ủy ban cho gánh vác nhiệm vụ chỉ đạo phong trào "Vì an ninh Tổ quốc", vì: Là người ở nơi khác, vì vậy, con em trong xã tôi coi như nhau nên khi xử lý sẽ đảm bảo tính khách quan. Được giao nhiệm vụ và Tài đã làm được như đã nói. Kết quả, an ninh trật tự trên địa bàn được đảm bảo, cuối năm 2012, Phà Đánh được tỉnh khen thưởng trong phong trào "Vì an ninh Tổ quốc". Cho đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Đình Tài đã có thể "tạm" vui với những kết quả ban đầu. Tài nói: “Em hiện nay nhận nhiệm vụ phụ trách xây dựng nông thôn mới”...
Ở Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn), Hạ Bá Lỳ (sinh năm 1989) - Phó Chủ tịch xã, Lỳ Bá Rê (1986) - cán bộ tổ công tác 30a cũng gặp những khó khăn vì ban đầu chưa nhận được sự tín nhiệm của cán bộ sở tại. Huồi Tụ là xã khó khăn, có 3 dân tộc Mông, Thái và Khơ mú (dân tộc Mông 94,8%), tổng số 810 hộ thì có đến 502 hộ nghèo. Nhận biết Huồi Tụ xuất phát điểm thấp, phương thức sản xuất lạc hậu, nhận thức của người dân thấp, hay trông chờ ỷ lại vào chính quyền các cấp, vậy nên Lỳ và Rê cố gắng đem hết sở học của mình để “vào guồng” một cách nhanh chóng nhất.
Tốt nghiệp khoa Quản trị kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, được giao phụ trách kinh tế và các chương trình dự án, Hạ Bá Lỳ đã tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban xã thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, lập Đề án xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các dự án hỗ trợ giống bò địa phương, lợn đen, gà đen, trồng cây bo bo, cây cánh kiến... Lỳ thường xuyên bám sát cơ sở và trực tiếp phụ trách 2 mô hình làm trang trại được hỗ trợ từ Chương trình 30a đạt kết quả khá cao, là hạt nhân để nhân dân trong vùng học tập.
Lỳ Bá Rê tốt nghiệp Trung cấp địa chính, và được giao phụ trách công tác quản lý đất đai, giải quyết các tranh chấp về đất; khảo sát, tham mưu cho chính quyền xã các vị trí phù hợp để xây dựng các công trình nhà cộng đồng, nước sinh hoạt tự chảy... Rê học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tham khảo tư liệu, sách báo và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trò chuyện về những thời gian đã qua, Lỳ và Rê đều rất vui vì đã có được sự ghi nhận của cán bộ và nhân dân Huồi Tụ. Lỳ tự hào: “Em vui vì được cán bộ và đồng bào rất tin tưởng. Thậm chí trong những ngày lễ, giỗ hay đám cưới, đồng bào còn bắt em lên ngồi mâm trên nữa đấy...".
Tại xã Thạch Giám (huyện Tương Dương), Vi Thị Nhâm và Nguyễn Thị Giang là những trí thức trẻ ở tổ công tác 30a, chuyên thực hiện các dự án kinh tế và tham gia một số lĩnh vực nông nghiệp. Trong căn phòng thiếu thốn tiện nghi, Nhâm và Giang bận túi bụi vì phải soát xét danh sách các hộ được nhận bò của chương trình. Cả hai cho biết, việc lựa chọn hộ cho chính xác để phân bổ chỉ tiêu khá phức tạp. Để thực hiện, phải cùng các ban quản lý thôn bản đi từng hộ đối chiếu từng tiêu chí, sau đó tổ chức họp dân thông qua rồi mới lên được danh sách. "Qua rất nhiều công đoạn nhưng phải làm sao để nhân dân thấy hợp tình hợp lý và những hộ khi được giao phải có khả năng thực hiện..." - Vi Thị Nhâm tâm sự. Đã có nhiều mô hình kinh tế thuộc Chương trình 30a được thực hiện ở xã Thạch Giám như nuôi bò, nghé, lợn đen địa phương, lợn Móng Cái, trồng cỏ, rau an toàn. Trong đó, những mô hình đem lại thành công nổi trội như nuôi lợn nái Móng Cái, trồng rau an toàn ở bản Phòng...
Phó Chủ tịch xã Yên Na Chu Đức Hùng và cán bộ khuyến nông Pây Văn Út xuống đồng cùng với người dân bản Bón, xã Yên Na (Tương Dương).
Những trí thức trẻ như Vi Viết Kiều - Phó Chủ tịch xã Tam Thái, Chu Văn Hùng - Phó Chủ tịch xã Yên Na, Lương Thị Hiên - Phó Chủ tịch xã Thạch Giám, Nguyễn Thị Hương - trí thức trẻ 30a xã Xiêng My... cũng gặp không ít khó khăn lúc ban đầu. Đã có không ít cán bộ, nhân dân địa phương suy nghĩ sai lệch khi cho rằng, người trẻ về đây đã "chiếm" mất những vị trí quan trọng mà đáng lẽ cần phải dành cho con em họ; hoặc nghĩ người dày kinh nghiệm còn chẳng ăn ai, huống hồ những cử nhân mới ra trường. Vậy nhưng, qua một thời gian chưa dài, các trí thức trẻ đã chứng minh nhiệt huyết cống hiến của người trẻ có thể vượt lên trên mọi khó khăn, gian khó...
...để nhân lên niềm tin yêu
Chúng tôi đã đi qua nhiều bản làng, chứng kiến những công việc trí thức trẻ đã thực hiện tại cơ sở và lắng nghe nhân dân, cán bộ nhận xét về họ, và thật vui bởi hầu như ở nơi nào các trí thức trẻ cũng có được sự đánh giá rất cao. Với Nguyễn Đình Tài, giờ đây em đã như là người con của đồng bào Thái, Khơ mú xã Phà Đánh - Kỳ Sơn. Đưa chúng tôi đi thăm những mô hình nuôi ong, nuôi vịt tại bản Piêng Phô, Trưởng bản Lô Văn Xuân thổ lộ: Ban đầu Tài về công tác, cán bộ và nhân dân cũng có những nghi ngờ. Vậy nhưng, qua thời gian thấy Tài làm được nhiều việc cho xã, cho bản. Tôi với Tài giờ đã như chú cháu trong nhà, bà con cũng xem Tài như con em của bản...
Vi Thị Nhâm, Nguyễn Thị Giang đều đang nuôi con nhỏ, nhưng toàn tâm toàn ý với công việc, sát với cơ sở nên cán bộ và nhân dân xã Thạch Giám rất quý. Tại vùng rau an toàn rộng 2 ha ở bản Phòng, chị Trần Thị Hà nói: Để trồng rau an toàn được trên vùng đất này, các cán bộ 30a phải vận động nhân dân rất lâu, thậm chí có người đã nặng lời và không chịu giao đất. Bây giờ rau đã lên xanh cho thu hoạch được mấy mùa. Nhân dân vừa có rau ăn, vừa cung cấp cho thị trường để có thu nhập cao hơn hẳn trước đây... Đang thu hoạch trên cánh đồng lúa nếp ở bản Bón xã Yên Na, chị Ốc Thị An (dân tộc Khơ mú), chị Pay Thị Huyền (dân tộc Thái) đã dừng tay hái cho biết, được hướng dẫn làm mạ, cấy, bón phân nên năng suất nếp trước đây chỉ được 1,7 tạ/sào, nay đã đạt tới 3 tạ/sào, các ruộng lúa tẻ đạt tới 4,5 tạ.
Chị Huyền nói: Những cán bộ trẻ thường gần gũi với dân nên được dân tin. Còn theo bác Lô Xuân Hoài - Bí thư chi bộ bản Bón thì: Xã Yên Na có 2 cán bộ 30a và một Phó Chủ tịch xã là những trí thức trẻ, họ nhiệt tình trong công việc, thường xuống cơ sở nắm bắt tình hình, khi có dự án thì trực tiếp gặp các hộ để trao con giống, cây giống và theo sát để hướng dẫn kỹ thuật nên nhìn chung dân bản rất quý... Tại Xiêng My, các mô hình nuôi lợn đen, lợn Móng Cái, bê, nghé đem lại hiệu quả cao đã nói lên công sức của những trí thức trẻ. Nhận xét về Phó Chủ tịch xã Lô Bá Lịch, hay các cán bộ 30a Lô Văn Chới, Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Xiêng My Lô Xuân Tình nói: Các cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, nhiệt tình trong công việc nên giúp được nhiều việc cho xã.
Ở Huồi Tụ, Hạ Bá Lỳ và Lỳ Bá Rê cũng được đánh giá rất cao. Thay mặt cán bộ trong xã, Bí thư Đảng ủy Lỳ Chia Chư khẳng định: Lúc mới về công tác, ai cũng tưởng Lỳ và Rê chắc sẽ không thể đảm đương được công việc. Tuy nhiên, qua thời gian đã chứng minh điều ngược lại, người trẻ có trình độ, có tâm huyết nên đã làm rất tốt nhiệm vụ được giao...
(Còn nữa)
Bài 1: "Vàng" đã qua lửa...
Nhật Lân