Ni cô Huyền Trang do NSND Thanh Loan, thủ vai là nhân vật nữ biệt động Sài Gòn trong bộ phim cùng tên đã ghim vào tâm trí khán giả suốt nhiều thập kỷ nay. Đến nỗi đi đâu người ta cũng chỉ gọi Thanh Loan là Huyền Trang mà quên mất tên thật của diễn viên.

ni_co_huyen_trang_13795314_3042022.jpgNi cô Huyền Trang trong tác phẩm điện ảnh kinh điển Biệt Động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân. Ảnh tư liệu

Ni cô và chữ “duyên”

Thanh Loan kể rằng bộ phim Biệt động Sài Gòn khiến cuộc đời cô sang một trang khác, rực rỡ và nhiều biến động hơn. Bởi ni cô Huyền Trang là nhân vật đình đám từng khiến khán giả cả nước và kiều bào khắp năm châu yêu quý và nhớ nhung. Thế nhưng đó là sự tình cờ là chữ duyên nghiệp của một diễn viên chưa từng nổi tiếng thời kỳ đó.

Một phân cảnh trong Biệt động Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Biệt động Sài Gòn đã khởi quay được 1 năm thì đạo diễn Long Vân mới tình cờ gặp được diễn viên Thanh Loan, ngay lập tức Thanh Loan lọt vào mắt xanh của đạo diễn, nhân vật ni cô Huyền Trang vừa với cô như "đo ni đóng giày". Vậy là chặng đường xin giấy cơ quan để được gắn bó với đoàn suốt 4 năm trời của cô phát thanh viên Truyền hình Công an nhân dân thời đó, bắt đầu.

Thế nhưng Thanh Loan không nghĩ bộ phim mà cô thủ vai lại nổi tiếng trong suốt thời gian dài như thế. Đó là bộ phim kinh điển xô đổ mọi kỷ lục phòng vé thời đó, người ta có thể bán đôi dép chiếc lốp xe hoặc những vật dụng quý giá hơn để có vé vào xem phim.

Mối tình đẹp của Sáu Tâm và cô gái quê gan dạ, do Thúy An thủ vai - một chiến sỹ quả cảm trong Biệt động Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Thế rồi những Ngọc Mai, Sáu Tâm, ni cô Huyền Trang đã trở thành những hình ảnh lịch sử trong tâm trí bất kỳ ai thời kỳ đó. “Nó là tuổi thơ hoặc là thanh xuân của lớp lớp thế hệ những năm 80 – 90 thế kỷ trước. Người ta đến rạp chiếu bóng hoặc bãi chiếu phim ngoài trời bất kể đêm hay ngày, bất kể đã xem nhiều lần, bất kể đã khóc đã thổn thức trước đó nhiều lần, nhưng cứ được đi xem là như được thưởng thức lần đầu”, NSND Thanh Loan cho biết.

NSND Thanh Loan thời trẻ. Ảnh tư liệu

Thanh Loan kể rằng để có một ni cô Huyền Trang sắc sảo và biến hóa khôn lường như thế cô phải nghiên cứu kịch bản kỹ lưỡng. Thậm chí, cô phải xin vào chùa tu tập và làm công quả một thời gian dài để cho ra được những bước chân khất thực, những ánh mắt thăm thẳm mà an yên của một sư cô nương nhờ của Phật.

“Nhân vật đa chiều, đa xúc cảm này lại phải có một mái tóc tém thì mới ra được chất của nữ biệt động, nên tôi đành ngậm ngùi chia tay mái tóc đen tuyền trong tiếc nuối của nhiều người và của cả chính tôi”. Thanh Loan kể.

Chưa hết trong quá trình quay phim vì thời kỳ đó phương tiện còn lạc hậu, cứ quay được đúp nào là phải chuyển ra Hà Nội tráng phim, rồi lại gửi vào để đạo diễn duyệt xem đã ổn chưa rồi mới đóng máy. Thế nên cứ phải là đúp nào ăn chắc đúp đó. “Có những trường đoạn mà tôi phải tập thật kỹ, thật nhập để có thể đạt ngay vì cảnh quay này không được phép làm lại. Đó là cảnh bị tra tấn, dí điện vào người, tôi phải làm động tác hình thể của người bị điện giật, nhưng khi bị “bọn ác ôn” dội nước vào người thì tôi phải giật cơ mặt tỉnh lại ngay. Ánh mắt lúc đó của ni cô Huyền Trang khiến khán giả tưởng rằng tôi bị dí điện thật. Chúng tôi sau này xem đi xem lại vẫn thấy vô cùng tâm đắc, vừa ý với đúp diễn này”, Thanh Loan chia sẻ.

Dòng dõi niềm tự hào

Dù đã bước vào tuổi 70 nhưng Thanh Loan vẫn giữ được nét đẹp quý phái kiêu sa. Ảnh tư liệu

Thanh Loan kể rằng bà nội cô xinh đẹp và tài giỏi nhất làng Bưởi, Hà Nội ngày ấy. Dù bà từ miền Trung gió Lào cát trắng ra Hà Nội nhưng không thiếu nữ Hà Thành nào có nét thanh tân kiêu sa khuê các như bà. Bà cũng là người buôn bán giỏi, quảng giao và canh tân như những thiếu nữ dòng dõi quyền quý của đất Thủ đô thời bấy giờ.

NSND Thanh Loan cho rằng cô học được ở bà đức tính nói là làm, đã làm là đến cùng với con đường mình theo đuổi. Cô cũng không hiểu vì sao mình vô cùng yêu quý người Nghệ và bắt rất nhanh giọng điệu của họ dù gia đình cô đã ra Hà Nội từ lúc bà nội của cô hãy còn trẻ. Lớn lên cô được bố mẹ và ông bà luôn nhắc nhớ về quê hương xứ Nghệ về những người muôn năm cũ và dòng dõi khoa bảng của bà nội cô.

“Có lần nhà giáo Văn Như Cương có gọi cho tôi thông báo về cuộc họp đồng hương xứ Nghệ, tôi xúc động và bồi hồi vô cùng, để rồi khấp khởi đi dự dù không biết mình có quen biết họ không. Thế nhưng đến hội nghị đồng hương ai cũng đón chào tôi như người cùng nhà, như người cùng quê hương Quỳnh Đôi lâu ngày gặp lại. Cảm giác đó thật xúc động, thật khó tả, có lẽ cả đời cứ theo tôi mãi”.

Thanh Loan nói, lúc vào vai ni cô Huyền Trang cô không nghĩ có ngày mình sẽ nổi tiếng nhờ vai diễn này. “Tôi cứ cố gắng diễn sao cho đạt, cho ra chất nữ biệt động Sài Gòn. Sau này tôi mới vỡ ra rằng sự kiên gan mưu trí của nhân vật mà tôi đã lột tả thành công chính là do sự học hỏi nghiên cứu và do cả tố chất của người con gốc Nghệ, không chịu khuất phục, nhường bước trước mọi khó khăn...”.

NSND Thanh Loan không đóng bộ phim nào sau Biệt động Sài Gòn, chị cũng là NSƯT được đặc cách trao tặng danh hiệu NSND vì có vai diễn ảnh hưởng lớn trong suốt nhiều thập kỷ. Về già chị vẫn hoạt động ở các hội nghề nghiệp và thường xuyên cố vấn cho các vở kịch nói của ngành Công an. “Đối với tôi nghiệp diễn viên như một sân chơi lớn của cuộc đời, nó cho ta vinh quang và những nụ cười hạnh phúc nhưng ta cũng phải tận hiến với nó bằng những hy sinh”.

NSND Thanh Loan sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ngoài bộ phim để đời Biệt động Sài Gòn, bà còn tham gia rất nhiều bộ phim khác như: Người về đồng cói, Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết, Bí mật thành phố cấm, Bản đề án bị bỏ quên,... và từng giành giải Cánh diều Vàng.

NSND Thanh Loan là đạo diễn nổi tiếng với những bộ phim tài liệu: "Những người trong truyện" đạt giải Cánh diều Bạc; phim "Bộ trưởng của chúng tôi" được giải Khuyến khích Hội Điện ảnh VN và Bằng khen Liên hoan phim quốc gia Việt Nam. Hiện nay niềm vui của chị là  dành tâm huyết thời gian cho công tác hội nghề nghiệp: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật HN; Phó Chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội.