Phát biểu trên với kênh truyền hình Al Arabiya có trụ sở tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), ông Lavrov nêu rõ Nga không thể dựa vào phương Tây trong bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, thực phẩm cũng như các nhu cầu hằng ngày mang tính chiến lược.
Ngoại trưởng Lavrov không loại trừ khả năng nối lại quan hệ với phương Tây trong tương lai, song nhấn mạnh Nga "phải tự lực trong những lĩnh vực chủ chốt".
Ngoài ra, ông Lavrov cho biết hầu hết các đối tác quan trọng của Nga đã nhất trí với kế hoạch thanh toán khí đốt bằng đồng ruble do Moskva đưa ra.
Theo hãng thông tấn RIA, cũng trong phát biểu trên, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga không xác định nước này đang có chiến tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan vấn đề Ukraine vì diễn biến như vậy sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Ông Lavrov cũng cho rằng các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đình trệ vì Kiev thay đổi lập trường trong đàm phán với Moskva.
Cùng ngày 29/4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết nước này đánh giá không có mối đe dọa nào từ việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức giấu tên nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát các động thái hạt nhân của họ (Nga) hằng ngày và chúng tôi đánh giá không có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như không có mối đe dọa nào đối với lãnh thổ của NATO".
Trong khi đó, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter ngày 29/4 nêu rõ Mỹ cho rằng không thể trở lại trạng thái thương mại bình thường khi có sự tham gia của Nga với cộng đồng quốc tế hoặc các thể chế quốc tế như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Bà Porter đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Indonesia, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 11 tới.
Tuy nhiên, bà Porter không tiết lộ Mỹ có tham dự hội nghị này hay không./.