Mới được thành lập 2 năm nay, hiện tại, mỗi năm HTX Trà Lân, Con Cuông sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, với 10 bộ sản phẩm phong phú chủng loại từ khay ấm chén uống trà, làn đi chợ, bình hoa… tinh xảo và đẹp mắt, chủ yếu được tiêu thụ ở các điểm du lịch. Hiện anh đang chuẩn bị xây dựng khu trải nghiệm trong rừng tre, cuối năm nay, sẽ đón học sinh các trường học trên địa bàn đến cùng làm, tham quan và trải nghiệm, để từ đó, mở hướng đón khách du lịch trong một ngày không xa.
Là huyện miền núi, Con Cuông có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, canh nông, với sản phẩm cam nổi tiếng, nhiều nghề truyền thống hấp dẫn như làng nghề thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất rượu men lá, nếp cẩm, rượu cần, dược liệu…
Ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Con Cuông cho biết: "Nếu được khai thác đúng cách, thì ngoài nguồn thu từ sản phẩm, bà con sẽ có thêm thu nhập rất đáng kể từ khai thác du lịch. Hiện huyện đang tập trung kêu gọi các doanh nghiệp phối hợp với huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; định hướng, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển các mô hình du lịch sinh thái, canh nông; đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để du khách biết đến Con Cuông".
Không chỉ Eo Gió, thời gian qua, trên địa bàn huyện Nam Đàn đã có nhiều mô hình du lịch sinh thái, canh nông ngày càng được nhiều người biết đến, như Khu du lịch sinh thái Cửa Ông (Nam Nghĩa), Thung Pheo (Nam Anh), HTX sen Quê Bác với 9 loại sản phẩm từ sen… Từ những vùng trồng lúa kém hiệu quả, đã mọc lên những đầm sen rực rỡ, thu hút du khách đến chụp ảnh, check in.
Ông Nguyễn Văn Đường, Trưởng phòng Văn hóa huyện cho biết: Huyện vẫn tiếp tục vận động các hộ dân có điều kiện, nhất là người dân sống ở các vùng đồi dọc các dãy núi Thiên Nhẫn, Đại Huệ phát triển du lịch sinh thái, canh nông.
Nam Đàn có lợi thế đất vườn đồi nhiều, phù hợp trồng các loại cây ăn quả có thể phát triển thêm chế biến, hấp dẫn du khách như chanh Nam Kim, hồng Nam Anh, đặc biệt là làng nghề chế biến tương nổi tiếng.
Không khó để kể đến những điểm du lịch hoạt động khá hiệu quả như Vườn cam sinh thái bản Pha (Con Cuông), những vườn hoa rực rỡ ở Nghĩa Đàn, khám phá vùng miền Tây Mường Lống (Kỳ Sơn) gắn với bạt ngàn vùng đào mận của bà con dân tộc Mông và vườn trồng dược liệu của Tập đoàn TH…
Và còn rất nhiều những mô hình sản xuất có thể trở thành điểm đến hấp dẫnnhư các làng nghề sản xuất mây tre đan, thổ cẩm vùng miền núi, các làng nghề chế biến nước mắm, hải sản ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, thị xã biển Cửa Lò, những cánh đồng bạt ngàn chanh, hoa, rau sạch ở rất nhiều địa phương trong tỉnh…
Xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính, những năm gần đây, cùng với du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh, Nghệ An chủ trương đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với canh nông. Việc UBND tỉnh và Jica Việt Nam ký kết biên bản hỗ trợ về đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp vào cuối năm 2015, được coi là một dấu mốc khá quan trọng để từ đó, loại hình du lịch canh nông bắt đầu được quan tâm phát triển.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, người dân chưa thực sự chuyên nghiệp làm du lịch, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, chuẩn hóa đáp ứng được yêu cầu, các hoạt động trải nghiệm, thuyết minh tại các điểm tham quan còn nhiều hạn chế..., nhưng những năm gần đây, du lịch sinh thái gắn với canh nông đã dần trở thành một hướng mới, bền vững trong phát triển du lịch của tỉnh.
Một số mô hình du lịch canh nông đã được đề xuất, đưa vào phát triển thành các tour, tuyến như mô hình trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại rau sạch FVF kết hợp tham quan các đồi hoa tại huyện Nghĩa Đàn theo tuyến đường Hồ Chí Minh; mô hình tham quan HTX sen quê Bác, homestay ở Kim Liên, vườn hồng Nam Đàn, chanh Thiên Nhẫn, làng nghề chế biến tương Nam Đàn kết hợp với khám phá vùng Đảo chè huyện Thanh Chương; tour du lịch nông nghiệp tại Con Cuông gắn với cam bản Pha, làng nghề rượu men lá, kết nối với rừng tre và nghề chế biến tre mỹ nghệ...
Phát triển du lịch sinh thái gắn với canh nông đang được coi là một hướng đi đầy tiềm năng, hấp dẫn và bền vững. “Có hơn 83% diện tích là đất đồi núi, nông thôn, tiềm năng từ phát triển du lịch canh nông là rất lớn. Đặc biệt, với các huyện miền núi dọc Quốc lộ 7 và QL 48, rất hấp dẫn du khách với bản sắc độc đáo của bà con vùng dân tộc thiểu số. Hiện chúng ta đang tập trung đẩy mạnh, quảng bá, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch cho vùng miền Tây xứ Nghệ, gắn với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của bà con” - ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho hay.