(Baonghean.vn) - Trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ vỡ tín dụng đen đang làm rúng động nhiều làng quê. Những hệ lụy nặng nề của hoạt động tín dụng đen khiến cho nhiều gia đình tan nát, anh em li tán, cuộc sống người dân bị xáo trộn.

1. Phó Chủ tịch xã Nghĩa Thuận (Thái Hòa) vỡ nợ hơn  8 tỷ đồng

Tháng 8/2014, nhiều tiểu thương ở khu vực chợ Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) lâm vào đường cùng khi ông Nguyễn Thanh Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận (TX Thái Hòa) và vợ ông là bà Trần Thị Xuân (SN 1962) tuyên bố vỡ nợ hơn 8 tỷ đồng. 

images1530012_thai_hoa.jpgCác tiểu thương lo lắng, hoang mang khi ông Phương tuyên bố vỡ nợ

Theo tường trình ông Phượng gửi Đảng ủy và UBND xã Nghĩa Thuận, từ tháng 3-8/2014, vợ chồng ông vay “nóng” tiền của người dân để làm ăn với lời hứa sẽ trả lãi suất cao… Số tiền vay mượn ấy vợ chồng ông đầu tư kinh doanh hàng ăn, bán đồ điện dân dụng, nhưng thua lỗ. Con trai ông Phượng còn thành lập một Cty riêng để đầu tư xây dựng, nhưng không thu hồi được vốn, nên dẫn đến vỡ nợ. 

Trước ngày cưới con gái út, thấy bà con kéo đến đòi nợ “rát” quá, ông Phượng viết giấy xin khất, hứa sau khi cưới con gái xong, ông bán căn nhà đang ở để trả nợ. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Phó chủ tịch đã lặng lẽ chuyển nhượng ngôi nhà mình cho một người khác với giá 3,5 tỷ đồng, mà không thanh toán cho bà con.

2. Vỡ hụi 8,3 tỷ đồng ở Giang Sơn Đông (Đô Lương)

Tháng 1/2015, trên địa bàn xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) xảy ra vụ vỡ hụi. Nhiều người dân xã có đơn gửi cơ quan công an tố cáo Ngô Thị Trang, trú xã Giang Sơn Đông vay tiền với lời hứa hẹn sẽ trả lãi suất cao. Nhưng đến khi Trang tuyên bố vỡ nợ thì mọi người mới hốt hoảng, lo lắng.

Nhiều gia đình đi vay vốn theo chương trình hộ nghèo để cho bà Trang vay (Ảnh tư liệu).

Theo  điều tra, từ năm 2013 đến tháng 10/2014, lấy lý do mở rộng chăn nuôi và kinh doanh buôn bán, đổi khế ngân hàng, Ngô Thị Trang vay của 68 hộ tại 3 xã Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn (Đô Lương) với số tiền trên 8,3 tỷ đồng.

Với mức lãi suất hấp dẫn từ 1.000-1.500 đồng/triệu/ngày, nạn nhân sập bẫy của Trang không chỉ là những gia đình dư giả tiền bạc mà có không ít người vay mượn tiền anh em, bạn bè, thậm chí đi vay vốn theo chương trình hộ nghèo rồi cho Trang vay lại với lãi suất cao hơn để rồi bây giờ hoang mang, lo lắng.

Tháng 7/2015, công an huyện Đô Lương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Thị Trang, trú xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

3. Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 24 tỷ đồng ở Tân Sơn (Đô Lương)

Đầu tháng 2/2015, trên địa bàn xã Tân Sơn, huyện Đô Lương xảy ra vụ vỡ “hụi” lớn, gây xôn xao dư luận. Theo đó, hàng chục hộ cho “chủ hụi” Nguyễn Thị Loan vay hàng chục tỷ đồng nhưng quá hẹn nhiều tháng mà Loan vẫn không trả.

Người dân xã Tân Sơn lo lắng khi bà Loan tuyên bố vỡ nợ.

Qua điều tra bước đầu cho thấy, từ cuối năm 2013 đến khoảng tháng 10/2014, Loan đã vay tiền của 31 hộ dân với tổng số tiền lên đến 23 tỉ 991 triệu đồng. Trong đó, người ít nhất là 5 triệu đồng và nhiều nhất là gần 7 tỉ đồng.

Điều đặc biệt là, mặc dù đem cả gia sản mà mình có được cho Loan vay nhưng nhiều người chỉ nhận được tờ giấy xác nhận do thị tự đánh máy. Thậm chí nhiều người còn “cắm” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rồi đi vay nặng lãi để cho thị vay, để rồi khi hay tin Loan vỡ nợ, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh khốn cùng, thậm chí ly tán.

Ngày 7/4/2016, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thị Loan để điều tra về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Hiện, đơn vị đã bàn giao hồ sơ, đối tượng cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra, làm rõ vụ việc. 

4. 50 hộ dân chết đứng vì vỡ nợ ở Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu)

Tháng 8/2015, nhiều người dân ở xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) hoang mang khi bị bà Hồ Thị Hoa (SN 1966, trú tại xóm 12, xã Quỳnh Thạch) lợi dụng lòng tin để vay mượn tiền của hàng chục hộ dân trong xã với số tiền hơn 2 tỷ đồng nhưng cố tình không trả. Nhiều lần sau đó, bà Hoa đã lẩn tránh và trốn đi khỏi địa phương.

Nhiều người cho bà Hoa vay tiền có quan hệ anh em, bạn bè.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân ở xã Quỳnh Thạch, vào năm 2013, bà Hoa lấy lý do cần tiền để đầu tư làm ăn lớn nên hỏi vay mượn của nhiều người dân, chủ yếu là những người anh em họ hàng thân cận. Người ít thì bà Hoa vay 3-5 triệu đồng. Người nhiều thì bà Hoa vay luôn cả hàng trăm triệu đồng.

Chỉ đến khi biết tin bà Hoa “vỡ nợ”, bỏ trốn, nhiều người đã làm đơn tố cáo lên công an. 

5. Vỡ tín dụng đen hơn 3 tỷ đồng ở Trù Sơn (Đô Lương)

Cuối tháng 3/2016, nhiều hộ dân ở xã Trù Sơn (Đô Lương) có đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo bà Trần Thị Hà (xóm 10, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương) vay tiền có lãi suất nhưng đến nay chưa trả. Tổng số tiền mà 14 hộ này cho bà Hà vay là hơn 2 tỷ đồng.

14 người dân tố cáo bà Trần Thị Hà vay hơn 2 tỷ đồng nhưng không trả.

Những người dân này cho bà Hà vay nóng với lãi suất 2%/tháng. Tuy nhiên, đến thời hạn trả, họ đến đòi tiền nhưng đều bị bà khất lần này đến lần khác. Trong 14 người viết đơn tố cáo, người cho bà Hà vay tiền nhiều nhất là hơn 474 triệu đồng, người ít nhất là 20 triệu đồng.

Những người này còn cho biết, thời điểm bà Hà bắt đầu vay là vào năm 2014 và mới nhất là khoảng 1-2 tháng gần đây. Điều đáng nói là thủ tục vay và cho vay lại rất đơn giản, chỉ có mấy dòng chữ viết tay. 

Bà Trần Thị Hà cho biết, số tiền bà vay của người dân sau đó đem cho 14 người ở xã Đại Sơn và Hiến Sơn vay lại để ăn chênh lệch lãi suất. Tổng số tiền bà Hà cho vay là hơn 3 tỷ đồng. Hiện cơ quan công an huyện Đô Lương đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

Phạm Bằng(tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN