Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/3 ra lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao bị cho là nhân viên tình báo Nga, nhằm đáp trả vụ đầu độc cựu gián điệp hai mang Sergei Skripal và con gái ở Anh. Nhà Trắng cũng ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle do lo ngại hoạt động do thám, bởi nó nằm gần một căn cứ hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ nhận định việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga khó lòng gây thiệt hại cho mạng lưới gián điệp của nước này tại Mỹ. Nhiều khả năng điệp viên Nga đã xâm nhập sâu vào các công ty, trường học và thậm chí là cơ quan chính phủ Mỹ để hoạt động dưới những vỏ bọc hoàn hảo rất khó bị phát hiện, theo Reuters.
Các cơ quan tình báo Nga được cho là vẫn tận dụng tối đa vỏ bọc của nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán, phương pháp cũng được tình báo Mỹ áp dụng tại nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên, ngoài chiến thuật truyền thống này, tình báo Nga còn sử dụng nhiều phương thức hoạt động khác như tuyển mộ người Nga nhập cư, thành lập công ty bình phong, triển khai điệp viên dưới vỏ bọc du khách ngắn ngày tới Mỹ, chiêu mộ người Mỹ làm việc cho Nga và xâm nhập mạng máy tính để đánh cắp dữ liệu.
Các quan chức Mỹ cho biết tình báo Nga từng nhắm vào các lập trình viên làm việc tại tập đoàn Microsoft ở Seattle bởi sản phẩm của công ty này được sử dụng trên rất nhiều ứng dụng. Microsoft từ chối bình luận về thông tin này.
Năm 2010, tòa án Mỹ ra lệnh trục xuất Alexey Karetnikov, điệp viên 23 tuổi người Nga làm việc tại bộ phận thử nghiệm mã lập trình tại cơ sở của Microsoft ở Richmond.
"Trước kia, Moscow chỉ có một cách làm việc. Giờ đây họ đã áp dụng hàng nghìn phương án khác nhau", một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ mô tả về phương thức hoạt động của tình báo Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, người từng là trung tá tình báo Liên Xô.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thường xuyên theo dõi hoạt động và giám sát liên lạc giữa những người bị nghi là điệp viên nước ngoài. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng lớn của người Nga ở Mỹ cùng sự phổ biến của các phương thức liên lạc mã hóa trên mạng đã gây khó khăn cho hoạt động phản gián của FBI.
Washington cho rằng Moscow có hơn 100 điệp viên dưới vỏ bọc nhà ngoại giao hoạt động ở Mỹ trước vụ trục xuất. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên khẳng định con số thực tế còn cao hơn nhiều, do Mỹ không muốn để lộ số lượng nhân viên tình báo Nga đang bị giám sát. "Con số thực tế thường thay đổi, nhưng trung bình là 150 người", quan chức này tiết lộ.
"Chúng tôi có hệ thống phản gián rất, rất tốt. Có nhiều người trong FBI chịu trách nhiệm theo dõi điệp viên nước ngoài và họ làm rất tốt công việc của mình", ông Robert Litt, cựu cố vấn cho giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, tuyên bố.
Tuy nhiên, Mỹ cần ít nhất 10 đặc vụ FBI và cảnh sát để theo dõi một điệp viên Nga trong vòng 24 giờ. Họ phải giám sát hàng loạt cửa ra vào và thang máy trong khu vực, liên tục chú ý sự thay đổi về trang phục và phương tiện đi lại, thậm chí là kiểu tóc của mục tiêu.
Trong các vụ trục xuất trước, điệp viên Nga bị yêu cầu rời khỏi Mỹ thường giao nhiệm vụ cho những người ở lại hoặc "kẻ ngoài vòng pháp luật", thuật ngữ chỉ những gián điệp nằm vùng lâu năm và không để lộ sự liên hệ với chính phủ Nga.
Một chiến thuật của Nga là triển khai lượng lớn nhân viên ngoại giao cùng lúc, trong đó chỉ có một hoặc hai sĩ quan tình báo, khiến FBI khó nhận dạng và theo dõi mục tiêu thực sự.
Quan chức tình báo Mỹ cho rằng sau khi trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao Nga nghi hoạt động tình báo, Mỹ đang đối diện nguy cơ không xác định được điệp viên mới mà Nga cử đến là ai. "Đôi khi biết được họ là ai để theo dõi sẽ tốt hơn", quan chức này nói.