Kích cỡ, hình dáng của chiếc máy bay bị vỡ nát và bốc cháy tại hiện trường tương đồng với phi cơ Y-8G trong biên chế không quân Trung Quốc. Khu vực máy bay gặp nạn cũng nằm gần nơi đóng quân của Sư đoàn không quân đặc nhiệm số 20, đơn vị vận hành phi đội Y-8G.
Y-8G là biến thể hiện đại hóa từ vận tải cơ Y-8F-200, nằm trong dự án Y-8GX3 do Tập đoàn máy bay Thiểm Tây phát triển. Máy bay được trang bị hàng loạt cụm cảm biến phía sau buồng lái, chuyên thực hiện nhiệm vụ gây nhiễu, do thám tín hiệu và chỉ huy chiến trường. Đỉnh cánh đuôi đứng được gắn một đài ăng ten. Kết cấu thân và cánh Y-8G được nghiên cứu mới hoàn toàn, thay vì sử dụng thiết kế Y-8 cũ.
Bản thân dòng Y-8 cũng là phiên bản sao chép trái phép từ vận tải cơ An-12 của Liên Xô. Vào thập niên 1960, Trung Quốc mua một số máy bay An-12 từ Liên Xô cùng giấy phép để lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, mâu thuẫn chính trị sau đó khiến Moscow rút hết đội ngũ kỹ thuật về nước, buộc Bắc Kinh phải tháo rời và sao chép ngược các máy bay An-12 để tự sản xuất, cho ra đời mẫu Y-8 vào năm 1972.
Vận tải cơ Y-8 có 4 động cơ cánh quạt, đủ sức chở theo 20 tấn hàng, tương đương với 96 lính bộ binh hoặc 82 lính dù được trang bị đầy đủ. Khi làm nhiệm vụ cứu thương, máy bay đủ sức chở 60 thương binh nặng với cáng, 20 thương binh nhẹ và ba nhân viên y tế. Sức tải lớn cho phép Y-8 trở thành nền tảng cho nhiều mẫu máy bay khác của Trung Quốc, như chống ngầm, do thám và cảnh báo sớm.
Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất liên quan đến dòng Y-8 xảy ra hôm 7/6/2017, khi một chiếc Y-8F-200 của không quân Myanmar gặp nạn, khiến 122 người trên máy bay thiệt mạng. Hồi tháng 6/2006, một máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của không quân Trung Quốc, được phát triển trên khung thân Y-8, cũng bị rơi ở tỉnh An Huy, khiến 40 người trên phi cơ thiệt mạng.