Nên sử dụng đèn xi-nhan nhiều hơn, tránh điều khiển ôtô vô tội vạ, dùng đèn pha đúng cách sao cho lịch sự và biết nhường đường.

images1483477_1.jpg

Chắc các bạn khi lái xe đều hiểu rằng các phương tiện giao thông không phải do Việt Nam phát minh, và cũng không phải do chúng ta sáng tạo ra cách sử dụng hay các nguyên tắc vận hành, nguyên tắc an toàn.

Tôi bắt đầu như vậy để mọi người cùng đồng ý rằng, các phương tiện giao thông chúng ta đang sử dụng phải theo các thông lệ quốc tế, tuân thủ thiết kế và hướng dẫn vận hành của nhà sản xuất. Vậy, phần lớn các lái xe ở Việt Nam đang áp dụng sai một số thứ (có vẻ nhỏ nhưng không hề nhỏ) mà tôi xin được liệt kê dưới đây:

Ít sử dụng xi-nhan đôi

Xi-nhan đôi đang bị mọi người hiểu đơn thuần là tín hiệu khẩn cấp. Hiểu như vậy đúng, nhưng chưa đủ. Xi-nhan đôi theo thông lệ giao thông quốc tế là đèn tín hiệu dừng, đỗ, cảnh báo nguy hiểm, cảnh báo tình trạng khẩn cấp… Xi-nhan đôi sử dụng khi xe dừng, đỗ ở những nơi không phải bãi đỗ xe để thông báo cho các xe xung quanh, nhất là các xe phía sau.

Ngoài ra, khi có chướng ngại vật khiến các bạn phải đi chậm thì hãy bật để cảnh báo cho xe phía sau cùng tránh. Có một số bạn sẽ nói là xi-nhan đôi chỉ sử dụng khi xe hỏng, khẩn cấp…, vậy các bạn thử suy luận một chút: tại sao vị trí nút bấm xi nhan đôi luôn luôn ở nơi dễ tiếp cận nhất?

Trên xe, những nút nào cần được sử dụng nhiều sẽ được ưu tiên đặt ở các nơi dễ bấm, còn những nút ít dùng sẽ được đặt ở những chỗ khuất hơn. Lý do đơn giản là vì xi-nhan đôi là nút cần được sử dụng hàng ngày.

Thêm vào đó, xi-nhan đôi luôn được cấp điện (trừ khi hết ắc quy) để các lái xe có thể yên tâm đóng cửa, khóa xe và đỗ bên đường một lát trong khi mua sắm hay uống café…

Chắc chỉ có ở Việt Nam các lái xe mới yên tâm để xe nổ máy, bật xi-nhan một bên rồi rời xe đi… chơi. Ở các nơi khác mà làm vậy thì khi quay lại chắc bánh xe cũng chẳng còn.

Xi-nhan một bên như tín hiệu dừng, đỗ xe

Xi-nhan một bên không bao giờ được phép hiểu là tín hiệu dừng hay đỗ xe. Sử dụng sai mục đích dẫn đến hiểu lầm là bạn đang xin rẽ, quay đầu hoặc đổi hướng, đặc biệt khi các bạn dừng xe ở gần ngã ba, ngã tư.

Xin mọi người hãy bỏ ngay thói quen vô cùng xấu và nguy hiểm này. Không phải vô cớ mà tất cả các hãng xe đều ngắt điện xi-nhan một bên khi xe tắt máy, đơn giản là vì nó chỉ được sử dụng khi xe đang chuyển động. Bất kể dừng, đỗ năm giây, một phút, năm phút hay nhiều hơn, hãy sử dụng xi-nhan đôi để báo cho các xe xung quanh là mình đang dừng, đỗ (đặc biệt là các bạn lái taxi, các bạn là những người cần dùng xi-nhan đôi nhiều nhất).

Ôtô khác xe máy ở điểm là có xi-nhan đôi, vậy hãy sử dụng công cụ hữu ích này nhiều hơn nữa đi.

Lái xe theo hình zig zag, hoặc tệ hơn: không theo hình gì cả

Trên đường, phần lớn các đường đều có vạch kẻ phân chia làn. Những ai đi ôtô xin hãy đi theo làn đã được kẻ, hạn chế đổi hướng, đổi làn. Nếu đổi hướng, đổi làn thì phải bật xi-nhan xin trước (rất ít lái xe làm được điều này, kể cả ở nước ngoài, nhưng đây là hành động cần thiết và thể hiện sự văn minh, tôn trọng người khác).

Hiện tại, các lái xe ở Việt Nam (cả xe máy lẫn ôtô) khi có chướng ngại vật trước mặt (xe trước phanh gấp, người qua đường, xe rẽ…) thường làm gì? Đơn giản thôi: đánh tay lái sang một bên và… lách. Làm như vậy gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh và gây cản trở giao thông. Đây là một phản xạ vô cùng xấu, xin hãy rèn luyện và bỏ nó đi ngay.

Phản xạ đúng khi gặp chướng ngại vật là giảm tốc độ, thậm chí dừng lại để sau đó tránh. Các bạn cứ tiếp tục lách rồi sẽ có ngày bạn đâm phải ai đó (nếu các bạn thích đâm người thì đây là hành động phù hợp, nhưng nếu không thì hãy giảm tốc độ, bật xi-nhan, đổi hướng rồi hãy tránh).

Nếu không ai luồn lách thì giao thông sẽ ngăn nắp và an toàn hơn. Nói vui nhưng rất đúng: Ở Việt Nam, đâu phải muốn đi thẳng là đi thẳng được… Hãy cùng thay đổi tật xấu này dần dần.


Theo VNE

TIN LIÊN QUAN