Thượng uý Nguyễn Danh Nhân: Người làm sáng thêm truyền thống Lữ đoàn 215

Vóc dáng bé hạt tiêu và nụ cười dễ mến là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp và trò chuyện với người đạt giải Nhất hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quân khu vực I - Thượng úy Nguyễn Danh Nhân, Chính trị viên phó Đại đội Trinh sát, Lữ đoàn Xe tăng 215 (thuộc Binh chủng Tăng Thiết giáp).

781599_small_81579.jpg

Nguyễn Danh Nhân sinh ra ở vùng quê nghèo xã Quỳnh Thắng huyện Quỳnh Lưu trong một gia đình đông anh em. Từ bé anh đã nuôi khát vọng lập nghiệp bằng con đường học vấn, trở thành kỹ sư xây dựng. Từng thi đỗ 3 trường đại học nhưng anh đã chọn Trường Sĩ quan Lục quân I (nay là Đại học Trần Quốc Tuấn) làm nơi học tập, rèn luyện, một phần vì hoàn cảnh gia đình và phần lớn là để thực hiện mong muốn của cha anh cũng là một người lính.

Năm 2008, anh tốt nghiệp ra trường và về nhận công tác tại Lữ đoàn Xe tăng 215. Được về công tác tại đơn vị có bề dày truyền thống cách mạng, thượng uý Nguyễn Danh Nhân luôn tâm niệm phải luôn nỗ lực trong công tác để góp sức  cho truyền thống bộ đội tăng thiết giáp anh hùng và cho lữ đoàn đóng chân trên quê hương mình.

Tại hội thi Báo cáo viên giỏi toàn quân 2011, dù còn khá trẻ, công tác ở đơn vị cơ sở, Nguyễn Danh Nhân vẫn mạnh dạn chọn chủ đề thuyết trình “Tình hình Biển Đông hiện nay, chủ trương, giải pháp tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo” – một chủ đề khá khó, phức tạp và rất nóng trên tất cả các diễn đàn hiện nay. Nhưng Nhân đã thuyết phục người nghe, ban giám khảo bằng những luận điểm chặt chẽ trong bố cục bài thuyết trình và sự công phu hiếm có trong các bài thi. Nhờ đó, Nguyễn Danh Nhân cùng 2 thí sinh của đơn vị bạn vượt qua hơn 80 thí sinh đến từ các Quân, Binh chủng, Học viện, Nhà trường trong toàn quân giành giải Nhất hội thi. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự của người thượng uý trẻ mà còn là niềm tự hào của toàn cán bộ, chiến sỹ đơn vị anh hùng - Lữ đoàn Xe tăng 215.

Trung úy Hồ Trọng Kiên: “Bắt đầu từ lòng tin của dân”

Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ, đảng viên về các bản, xây dựng xã biên giới an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, Trung úy Hồ Trọng Kiên đã được lãnh đạo cử về sinh hoạt tại bản Cà Na xã Thông Thụ, Quế Phong.

Cà Na có 44 hộ với 189 khẩu, tỉ lệ hộ đói nghèo chiếm đến 57%, trình độ dân trí thấp, đội ngũ cán bộ đảng viên vừa thiếu lại vừa yếu, hoạt động cầm chừng, phong tục tập quán còn nhiều phức tạp, vì thế, một thời gian dài bản Cà Na đứng trước đói nghèo lạc hậu. Nhận nhiệm vụ với bao khó khăn trước mắt tưởng chừng khó vượt qua, nhưng cũng là dịp phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong anh có dịp được thử thách. Vài năm trước, dù đã được vận động bỏ bớt rẫy trồng lúa nước, vừa được nhiều lúa lại giữ được rừng nhưng bà con không ai nghe, cho là bộ đội nói dối, làm ruộng lúa vừa vất vả, được ít lúa mà phải rào dậu khổ cực. Trung úy Kiên xin trưởng bản cho mượn 10a ruộng trồng cho bà con xem, sau mấy tháng trồng lúa lai cao sản, cộng với sự chăm bón theo quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm làm lúa của người miền xuôi đã cho thu hoạch gần 6 tạ/10a. Nhìn ruộng lúa của anh ai cũng trầm trồ khen ngợi, người ta đến hỏi han cách làm và không cần vận động nữa, bà con đã tự mua phân, giống về trồng. Thành công đó là kinh nghiệm mà Trung úy Kiên rút ra để tiếp nối việc vận động tuyên truyền dân bản xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Từ đó, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, chuồng trại chăn nuôi được đưa ra khỏi nhà ở … Hiện bản Cà Na đã có một diện mạo mới, đời sống nhân dân thực sự được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo năm 2010 giảm xuống còn 47%, số hộ mua sắm được ti vi, xe máy ngày một nhiều thêm.

Đến bản Cà Na không ai là không biết Hồ Trọng Kiên, anh là người con của bản làng, người bạn của thế hệ trẻ và người thầy của đàn em nhỏ. Đó chính là sự ghi nhận cho những công lao, đóng góp của anh trong việc vận động bà con xây dựng bản làng, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng thế trận an ninh vững chắc. 

Hà Văn Sáng- 4 năm liền là chiến sỹ thi đua

Năm 1999, học xong phổ thông trung học, Hà Văn Sáng - người dân tộc Thái tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện chiến sỹ mới vào tháng 7/1999, Hà Văn Sáng được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Keng Đu, huyện Kỳ Sơn – nơi được coi là xa xôi, khó khăn nhất trong các đơn vị BĐBP tỉnh Nghệ An. Ở nơi gian khó nhưng sau hơn 2 năm công tác, Sáng đã lập nhiều thành tích xuất sắc, đủ tiêu chuẩn để được xét đi học lớp cử tuyển đại học tại Học viện Biên phòng (tháng 9/2001). Tháng 7/2007 tốt nghiệp ra trường với kết quả học tập loại khá, Hà Văn Sáng được tặng giấy khen và phong quân hàm trung uý.



                     Thượng úy Nguyễn Văn Sáng (trái) thẩm vấn một đối tượng

Ra trường về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, đơn vị có nhiệm vụ quản lý 35 km đường biên giới Việt – Lào với 3 xã địa bàn huyện Thanh Chương, trong đó có 2 xã đa số là đồng bào thuộc khu tái định cư Công trình Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) chuyển về. Trong địa bàn đơn vị quản lý “nóng” nhất, phức tạp nhất là tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy do có tới trên 160 đối tượng nghiện.

Trên cương vị đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm ma túy của đơn vị, Hà Văn Sáng đã kịp thời tham mưu cho Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả, từng bước đẩy lùi tội phạm ma túy ra khỏi địa bàn. Anh đã cùng các chiến sỹ Đội kiên trì, chịu khó bám địa bàn, tích cực xây dựng nhiều điển hình tốt, phát động nhân dân tích cực tố giác tội phạm, thu thập nhiều nguồn tin để phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Thượng úy Hà Văn Sáng đã trực tiếp điều tra, bắt giữ, xử lý 22 vụ/22 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy, thu 198,57g hêrôin; phối hợp với Công an huyện Thanh Chương, Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng CSGT Công an tỉnh) bắt 17 vụ/19 đối tượng. Ngoài đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, Hà Văn Sáng còn nắm chắc các đối tượng nghiện, lập hồ sơ, tuyên truyền vận động 35 đối tượng đi cai nghiện tập trung, 29 đối tượng cai nghiện tại địa phương. 

Với những cố gắng không ngừng nghỉ trong công tác, rèn luyện, Thượng úy Hà Văn Sáng đã 4 năm liền được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua; Đảng ủy BĐBP tỉnh tặng Giấy khen trong dịp tổng kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với BĐBP”; năm 2011 được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2008-2011…

 Minh Hằng (Đài Quỳnh Lưu)
 Vân Thanh (Đài Quế Phong)
 Hùng Phong – Nguyễn Bá