(Baonghean) Đồn Biên phòng Mường Típ (BĐBP Nghệ An) quản lý 2 xã Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn), với 835 hộ, 4.898 khẩu, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, đói chiếm tới 90%. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên, thiên tai, dịch bệnh... Đứng trước tình trạng đó, đồn đã và đang giúp dân xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nơi vùng biên giới.
Đến Đồn Biên phòng Mường Típ, chúng tôi thực sự ấn tượng với khu tăng gia sản xuất, hệ thống vườn, ao, chuồng được đầu tư xây dựng kiên cố, khoa học. Ngoài số gia súc, gia cầm được đưa vào nuôi mang lại hiệu quả như bò, lợn rừng, đồn đang tiến hành đưa các giống vật nuôi như nhím, ếch, dúi vào nuôi thử nghiệm. Sau khi các mô hình này đạt kết quả tốt, đồn sẽ tiến hành rút kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Vườn rau của BĐBP Mường Típ.
Để “mục sở thị” về hiệu quả của việc thực hiện xây dựng mô hình kinh tế của Đồn, chúng tôi đến bản Phà Nọi (xã Mường Típ), đây là bản áp dụng thành công mô hình chăn nuôi gia súc mà đồn đã xây dựng từ lâu. Đến đầu bản, chúng tôi gặp già làng Lầu Chống Po, khi già đang trên đường lên rẫy. Già Po chia sẻ: Từ ngày có cán bộ biên phòng xuống giúp bà con xây dựng mô hình kinh tế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đã đưa đời sống của dân bản Phà Nọi khá lên nhiều, cả bản không còn hộ đói. Năm 2011, bản còn đạt danh hiệu Bản Văn hóa, do đẩy lùi được các tệ nạn xã hội và tình trạng di cư tự do.
Hiện nay, ở Phà Nọi, một số hộ có “vốn liếng” hàng chục con trâu, bò và trở thành triệu phú nơi đỉnh Pu Xai Lai Leng. Ông Lầu Pa Pó là một điển hình trong việc áp dụng thành công mô hình phát triển kinh tế của Đồn Mường Típ, tâm sự: “Cán bộ, chiến sĩ Đồn thường xuống vận động bà con phát triển chăn nuôi; xây dựng, quy hoạch lại khu chăn thả gia súc, không thả rông trâu, bò theo kiểu truyền thống vừa khó quản lý, lại có nguy cơ mắc dịch bệnh cao. Theo hướng dẫn của bộ đội, tôi đã áp dụng ngay và chỉ sau thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả, đàn trâu, bò của gia đình phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, không bị thất lạc. Từ đàn trâu 5 con, sau 3 năm, gia đình tôi đã có tổng đàn trâu, bò lên tới 70 con”.
Chỉ trong vòng 3 năm xây dựng mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế, đời sống nhân dân tại 3 bản: Vàng Phao, Phà Nọi (xã Mường Típ), Bản Pụng (xã Mường Ải) đã có sự phát triển đáng kể cả về vật chất và tinh thần. Theo Thiếu tá Hồ Thanh Quang - Chính trị viên đơn vị, những thành công trong việc phát triển kinh tế của các bản Vàng Phao, Phà Nọi, Bản Pụng là tiền đề để đồn tiếp tục xây dựng thêm nhiều mô hình giúp dân phát triển chăn nuôi, góp phần cùng với địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ đói, nghèo trên địa bàn đồn quản lý.
Ông Cụt Phò Tuyên - Chủ tịch UBND xã Mường Típ, chia sẻ: Ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước, những mô hình kinh tế do BĐBP tạo ra đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian tới, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, UBND xã sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với BĐBP tuyên truyền, hỗ trợ bà con trong việc đưa các mô hình mà Đồn Biên phòng Mường Típ đang thử nghiệm, áp dụng cho các hộ sản xuất, chăn nuôi để từng bước thu hẹp tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống cho bà con trên địa bàn.
Giúp đồng bào thoát nghèo
Lê Thạch