(Baonghean) - Hưởng ứng cuộc phát động của Bộ Quốc phòng, Bộ T­ư lệnh Quân khu 4 hiến tặng những kỷ vật kháng chiến để tham gia triển lãm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, 20 năm ngày hội QPTD và lưu giữ trư­ng bày lâu dài tại Bảo tàng Quân khu phục vụ cho việc nghiên cứu, tuyên tuyền, giáo dục truyền thống.
 
Sau một thời gian phát động, Bảo tàng Quân khu 4 đã tiếp nhận nhiều di vật, hiện vật có giá trị. Mỗi kỷ vật­ đều gắn liền với những chiến công vang dội hay thầm lặng và cả những câu chuyện xúc động của người l­ưu giữ nó. Đó là những kỷ vật đã đi cùng người lính trên khắp các chiến trư­ờng như chiếc ca đựng nư­ớc, chiếc tăng cá nhân, đồng hồ đeo tay; các trang bị thu được của địch; là chiếc nồi đồng mẹ đã nấu cơm phục vụ cách mạng, chiếc khăn quàng bên ngọn đèn dầu chị tỉ mẩn đan tặng anh trước ngày ra trận để chúng ta thấy được sự hy sinh to lớn của các mẹ, các chị trong sự nghiệp giải phóng dân tộc... 
 

762645_small_47927.jpg
Cũng sau những ngày đầu phát động, bác Lê Văn Tới ở Phong Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình đã đến trao tặng cho Bảo tàng Chứng minh quân đội của chuẩn úy Nguyễn Quốc Lập, “Nguyên quán: Xã Vinh Tân - Thị xã Vinh- Nghệ An” gắn liền với câu chuyện cảm động. Năm 1969-1970, anh Nguyễn Quốc Lập chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, sau đó về an dưỡng tại gia đình bác Lê Văn Tới. Năm 1970, trước ngày vào Nam chiến đấu, bên dòng Kiến Giang, người lính đã gửi lại chiếc Chứng minh quân đội cho người con gái trong gia đình bác Tới mà anh đã thầm thương nhớ với lời hẹn ước sẽ trở về ngày đất nước thống nhất. Như­ng vì chiến tranh, đến tận bây giờ, người lính đó đã không thể thực hiện lời hứa. Bác Lê Văn Tới đã không quản ngại đường xa đến tìm và giao lại kỷ vật với mong muốn sẽ sớm tìm đư­ợc thông tin cho anh.
 
Chiếc nồi gang mà mẹ Trần Thị Đỉnh ở thôn Đức Thái - xã Phú Đa - Phú Vang - Thừa Thiên Huế đã dùng nấu cơm nuôi các con và cán bộ cách mạng trong suốt những ngày kháng chiến chúng ta lại nhớ đến dáng mẹ tảo tần, chắt chiu từng hạt gạo, bông ngô nhường bộ đội ăn no đánh thắng. Gia đình mẹ Đỉnh là cơ sở cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Gia đình có 3 thế hệ đều tham gia cách mạng, trong đó có 24 con cháu nội, ngoại đã hy sinh vì nước, 5 trong 6 người con của mẹ là liệt sĩ, 2 con gái, 1 người con dâu và 1 người cháu của mẹ cũng được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng. Khi trao lại kỷ vật cho Bảo tàng, người con trai duy nhất trở về từ chiến trường của mẹ không dấu nổi niềm xúc động, tâm sự: “Chiếc nồi này chính là của hồi môn bà ngoại mẹ khi về nhà chồng. Mẹ đã dùng nấu cơm, nấu sắn nuôi các con khôn lớn đi đánh giặc, nuôi cán bộ cách mạng tham gia kháng chiến. Nhà nghèo, mẹ luôn dặn dò các con phải nhường cán bộ ăn cơm để có sức mà đánh giặc. Có nhiều hôm, mẹ nói dối đã ăn no, rồi chỉ để phần cho mình một củ khoai…”
 
Bên cạnh những kỷ vật gắn liền với nhiều câu chuyện hết sức cảm động của người lính năm xư­a còn có một số kỷ vật gắn với những sự kiện có ý nghĩa lịch sử như tờ báo ảnh Quân đội nhân dân với trang chuyên đề tập trung lực lư­ợng mở các chiến dịch lớn: Chiến dịch Biên giới Thu Đông(1950); Giải phóng biên giới thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và các thị trấn dọc biên giới Việt - Trung; của bác Phan Đức Tuy ở Thanh Hương - Thanh Chương - Nghệ An đã hiến tặng cho Bảo tàng tái hiện đầy đủ hình ảnh, nội dung những chiến dịch lịch sử. Gắn liền với cuộc chiến đấu dũng cảm của trung đội 2 (Đại đội 17, Trung đoàn 339, Quân khu 9) là kỷ vật chiếc đầu đạn AR15 nằm trong phổi của cựu chiến binh Nguyễn Văn Bá ở xã Liên Thành - Yên Thành - Nghệ An. Năm 1979, trung đội của đồng chí Nguyễn Văn Bá tham gia chiến đấu tại trận đánh Tà Keo (Campuchia), cả trung đội 35 đồng chí 32 người đã hy sinh, trung đội trư­ởng Nguyễn Văn Bá bị thương nặng và đầu đạn này đã nằm trong phổi anh cho đến năm 2004 mới đ­ược lấy ra.
 
Kỷ vật kháng chiến còn là những chiến lợi phẩm ta thu được từ các chiến trường sau những chiến công hào hùng. Khẩu súng ngắn của chuẩn tướng Vũ Văn Giai - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 ngụy đang được lưu giữ tại bảo tàng cho chúng ta nhớ đến chiến trường Quảng Trị những ngày hè rực lửa năm 1972. Trong 2 ngày 19 và 30-4-1972, pháo chiến dịch của ta liên tiếp bắn phá làm tê liệt và tiêu diệt các trận địa pháo binh địch ở ái Tử, La Vang. Sở chỉ huy của chuẩn tướng ngụy Vũ Văn Giai rơi vào tình trạng hỗn loạn, quan quân tháo chạy vất toàn bộ giấy tờ, vũ khí, trang bị, lương thực. Sáng ngày 1-5-1972, Quảng Trị hoàn toàn giải phóng. Chuẩn tướng Vũ Văn Giai - kẻ luôn tự hào “Mai đây các ngài sẽ chứng kiến sự thất bại thê thảm của Việt Cộng trước vành đai thép Đông Hà” không kịp cầm theo khẩu súng luôn mang bên mình trong ngày thất thủ. Cũng trong chiến tranh, giữa đạn bom ác liệt, ở đó chúng ta còn cảm nhận được tình yêu sắt son của người lính qua những trang nhật ký chiến trường, những trang thư gửi về quê nhà còn thấm đẫm máu và mồ hôi của đồng đội: “Em ơi, mỗi khi nhắc đến em và con lòng anh như se thắt lại. Anh cảm thấy trống trải. Song, là một đảng viên anh không thể nghĩ gì khác ngoài vấn đề hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng của Đảng”. Đó là lá thư cuối cùng của liệt sĩ Đậu Sĩ Hùng gửi về cho vợ trước lúc hy sinh được chị Nguyễn Thị Hoà (con dâu liệt sĩ) quê ở xã Công Thành - Yên Thành - Nghệ An trao lại cho bảo tàng.
 
Ngoài kỷ vật là những cuốn nhật ký, những trang thư chiến trường còn có bộ sưu tập thư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội gửi cho Trung tướng Lê Quang Hoà được gia đình hiến tặng cho bảo tàng, qua đó chúng ta hiểu được sự quan tâm, lãnh đạo tài tình của Đảng, Nhà nước, cuộc sống và chiến đấu của những vị tướng lĩnh mưu trí, ngoan cường…Và còn rất nhiều những kỷ vật kháng chiến đã được trao tặng, lưu giữ tại bảo tàng, tất cả những kỷ vật đó là sự hòa lẫn giữa văn hóa vật thể và phi vật thể được kết tinh từ cuộc sống, lao động và chiến đấu, của quân và dân Quân khu 4 trong lịch sử hào hùng đấu tranh của dân tộc.
 
Hiện nay, số l­ượng kỷ vật kháng chiến trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu chưa nhiều so với tiềm năng còn l­ưu giữ trong nhân dân. Vì vậy, hy vọng sẽ tiếp tục được tiếp nhận, sư­u tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến để không chỉ làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc mà còn giúp bảo tàng bổ sung số lượng hiện vật có giá trị góp phần tôn vinh sự cống hiến của những con người Việt Nam nói chung, quân và dân Quân khu 4 nói riêng đã từng phục vụ, trực tiếp chiến đấu trên các mặt trận trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời, giáo dục sâu sắc truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đóng góp xứng đáng sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và chúng ta hãy để kỷ vật lên tiếng, bởi lịch sử chỉ có thể đ­ược tái hiện một cách trung thực và sinh động qua sự góp phần của những kỷ vật đầy ý nghĩa đó.
Bài, ảnh: Thanh Nga