(Baonghean) - Mình không mê bóng đá nhưng đợt vừa rồi cũng cố gắng chống mắt lên xem U19 Việt Nam đá mấy trận. Căn bản vì thấy mọi người "sốt" U19, "sốt" Công Phượng quá, mình đâm tò mò.
Tâm lý đó của mình, về bản chất, không gì khác ngoài tâm lý đám đông, tâm lý "bầy đàn". Nghĩa là thấy mọi người làm nên làm theo chứ thực tâm, mình chẳng hề thấy xem đá bóng thú vị. Đó là tâm lý chung của con người, thậm chí là của bất kỳ cá thể động vật nào sống quần tụ. Tuy nhiên, mình nghĩ gần đây, tâm lý đó trong xã hội chúng ta phát triển có phần hơi quá đà?
Đơn cử như việc một cô gái bỗng dưng trở thành cơn sốt chỉ vì đã khóc khi U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản. Điều đó có gì đặc biệt? Mình tin chắc ở sân bóng lúc đó không thiếu cổ động viên cũng rơi nước mắt vì tiếc cho đội bóng nước mình. Một cảnh quay tình cờ, thể hiện một cách khéo léo nhất nỗi buồn chung của giới yêu bóng đá nước nhà, chuyện chỉ có thế. Ấy vậy mà không hiểu sao người mình cũng có thể thổi phồng được thành một cơn sốt. Kẻ thì yêu thích, tung hô thái quá, người thì chê bai, chỉ trích, thậm chí là nhục mạ người ta. Một cô gái khóc thì có gì hay để phải lập hẳn cả trang fanpage (dành cho người hâm mộ)? một cô gái khóc thì có gì sai để phải bị truy tìm tung tích, soi mói, bêu riếu những điều xấu xa mà người ta còn chẳng biết rõ thực hư?
Bắt đầu từ vài năm trở lại đây, nhiều người nói đến thuật ngữ "hiệu ứng đô-mi-nô" để mô tả về tâm lý đám đông của người Việt mình. Nghĩa là chỉ cần một sự kiện, một cú hích nhỏ cũng đủ để khởi động phản ứng dây chuyền trong cộng đồng. Nguyên nhân mình nghĩ có 2 điều. Thứ nhất, sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội và internet. Thứ hai, do đời sống tâm hồn của chúng ta bị bão hoà. Khi không còn niềm vui thú, đam mê nào khác, ta sẽ tìm cách để khuây khoả bằng những tin tức, trào lưu mới - lạ - được nhiều người chú ý. Cũng có người cho rằng hiệu ứng đô-mi-nô là đứa con tinh thần của truyền thông, lên án truyền thông khai thác, lợi dụng thông tin một cách cường điệu để thu hút dư luận. Mình thì cho rằng đó là cái vòng luẩn quẩn của cung và cầu mà thôi.
Lúc nào đó, ta có hạ một dấu lặng giữa khuông nhạc ồn ã của cuộc đời này, nghe xem bản nhạc ta vừa chơi có để lại âm vang gì không? Hay những gì ta nói, ta làm chỉ như những nốt móc đơn, đến và đi vội vàng, không để lại ý nghĩa gì đặc biệt? Có người sẽ cười xoà, cho rằng đó chỉ là trò giải trí. Biến mọi thứ thành trò lố để mua cho bản thân vài phút giây giải trí, đó chính là biểu hiện của một xã hội mà tính nhân văn và trách nhiệm không còn là những giá trị được trân trọng!
Hải Triều