(Baonghean) - Theo số liệu từ báo cáo của Chính phủ trình bày trong phiên họp thứ 17, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm 2014, cả nước có 81 nghìn đơn khiếu nại và 19 nghìn đơn tố cáo. Tuy nhiên, trong số đó có đến 59% số đơn khiếu nại và 63% số đơn tố cáo sai. Điểm khác biệt so với năm trước là giảm về số vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhưng lại tăng về khiếu nại đông người. Nhìn qua thì thấy có vẻ như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cấp, ngành liên quan thực hiện tốt, nên mới kéo giảm được số lượng vụ việc. Nhưng sự thật có đúng là như vậy?
 
Sở dĩ phải đặt câu hỏi như thế là vì, ngay tại phiên họp, một vị đại biểu của dân đã lý giải, việc giảm các vụ việc khiếu nại, tố cáo không hẳn là do cơ quan chức năng đã thực hiện tốt khâu giải quyết mà là vì kinh tế chưa hồi phục hẳn, số lượng các dự án được tái khởi động hay khởi công mới hầu như rất ít, nên sự va chạm quyền lợi làm phát sinh mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng ở các địa phương giảm đi rất nhiều, dẫn đến số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm. Mặt khác, việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, nhưng rút cục vẫn không được quan tâm giải quyết một cách thấu đáo, kịp thời, khiến người dân nản lòng mà không đệ đơn nữa cũng khiến cho số vụ việc được kéo giảm. Hơn nữa, việc số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người tăng lại cho thấy có thể có một thực tế khác. Đó là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được các cơ quan chức năng thực hiện tốt, có hiệu quả, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc nên kéo nhau đi đông người để gây áp lực.
 
Như vậy, khó có thể tin số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo giảm trong thời gian qua là do công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan công quyền thực hiện tốt. Và con số thống kê cho thấy, có tới gần 2/3 số đơn khiếu nại, tố cáo sai cũng khiến dư luận nghi ngờ. Cứ đến các văn phòng tiếp dân nhìn thấy những sự bức xúc, dồn nén trên nét mặt, trong thái độ, cử chỉ của người dân thì sẽ cảm nhận được ngay sự đúng, sai. Không mấy người biết mình sai mà vẫn đội đơn đi khiếu nại, tố cáo. Vì lẽ, chuyện đi kiện cáo tốn kém, phiền phức và lắm trần ai. Dân gian đã có câu “vô phúc đáo tụng đình”. Cực chẳng đã mới phải đội đơn đi kiện. Cứ nhìn những người dân khắp ba miền Trung, Nam, Bắc ăn, ngủ trên vỉa hè, gốc cây, lề đường chầu trực trước trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội chờ tới lượt được giải trình, kêu oan, thì sẽ hiểu là không có nỗi oan khiên, người ta không tự đọa đày thân xác mình đến thế. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, ngày 26/8, đích thân ông Tổng Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp gặp gỡ, tìm hiểu và giải quyết vụ khiếu nại kéo dài của ba công dân và kết luận khiếu nại của họ là có sơ sở và đề xuất hướng giải quyết. Mặc dù, trước đó, các đơn khiếu nại này bị coi là thiếu cơ sở để giải quyết. Một đại biểu Quốc hội cũng khẳng định, qua thực tế tiếp công dân thì thấy dân đi khiếu nại không bao giờ sai cả. Dĩ nhiên không có gì là tuyệt đối, trong hàng chục nghìn lá đơn khiếu nại, tố cáo, thể nào cũng có những là đơn không đúng. Nhưng con số tới hơn một nửa đơn khiếu tố là sai thì thật là khó tin. Và cứ cho những con số đó là đúng, thì vì sao khiếu tố sai mà người dân vẫn đội đơn đi? Phải chăng là do cách giải quyết của các cơ quan công quyền không làm cho dân tin, không thuyết phục được dân. Như thế là công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân là còn có chỗ bất ổn. Và nếu như con số đưa ra trong báo cáo của Chính phủ là có tới 59% số đơn khiếu nại và 63% số đơn tố cáo sai là không chính xác, thì chứng tỏ là có sai sót trong việc thẩm định. Vậy sai sót này là do năng lực hay cố tình làm sai nhằm bao che cho tiêu cực? Chỗ này rất cần được làm sáng tỏ ra. 
 
Việc gia tăng số vụ khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp, chứng tỏ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp dưới kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm. Thế nhưng, việc xử lý những yếu kém đó thì lại chưa thấy nơi nào làm cả. Vì thế, có người nêu ý kiến là lâu nay dân làm sai thì xứ lý đến nơi, đến chốn, nhưng cán bộ làm sai, cơ quan Nhà nước làm sai thì không xử lý. Báo cáo là trình bày lại tình hình, sự việc để giúp mọi người nắm được bản chất thật của vấn đề. Báo cáo đúng thì nắm đúng được bản chất để đánh giá, chỉ đạo xử lý đúng. Báo cáo sai thì mọi việc tiếp theo đều sẽ bị sai lệch. Mà sai một li sẽ đi một dặm. Hậu quả là vô cùng nguy hiểm và rất khó lường. Chính vì thế, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ rà soát lại để đánh giá sát thực tế hơn tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua.
 
Đó là một yêu cầu hợp lý và rất cần thiết. Vì gốc rễ để giải quyết tốt mọi vấn đề là sự thật. Càng gần với sự thật thì càng dễ giải quyết và giải quyết được dứt điểm, nhất là trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
 
Duy Hương