Nghề nuôi lươn thương phẩm ở huyện Yên Thànhđã phát triển từ nhiều năm trước, nhưng mô hình nhân giống lươn bằng phương pháp sinh sản nhân tạo là đang mới và ít.
Mô hình nhân giống lươn bằng phương pháp sinh sản nhân tạo của anh nông dân Nguyễn Viết Phúc ở xóm 5, xã Xuân Thành được xem là mang lại hiệu quả sau khi được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và vốn.
Theo anh Phúc cho biết, mô hình được thực hiện từ đầu năm 2020, với sự đồng hành hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Để cho ra sản phẩm lươn giống bằng phương pháp sinh sản nhân tạo là khá phức tạp và khó khăn. Lươn bố mẹ được nuôi dưỡng trong khu vực bể chứa bùn, khi đến kỳ sinh sản, phải quan sát ổ trứng để thu trứng vào khu vực ấp giống.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thời gian đầu do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cùng với kinh nghiệm chưa có nhiều, nên hiệu quả chưa cao. Song, sau 8 tháng thực hiện có thể khẳng định là thành công, lượng lươn giống thu được như mong muốn, với tỉ lệ trứng nở đạt trên 80%, lươn con khỏe mạnh, không xuất hiện dịch bệnh, tỉ lệ sống cao.
"Lươn bố mẹ nuôi sinh sản sau 2 năm là phải thay, do vậy thời điểm này tôi thu hoạch toàn bộ lươn bố mẹ để bán lươn thương phẩm. Sau đó thay thế bằng lứa lươn bố mẹ mới do mình sản xuất ngay tại chỗ", anh Nguyễn Viết Phúc chia sẻ.
Từ mô hình ban đầu với 50m2, nay anh Phúc đã mở rộng diện tích lên hàng trăm m2. Toàn bộ lươn giống sản xuất ra, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt hàng với số lượng lớn, nên "cung chưa đủ cầu".
Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Yên Thành chỉ có vài mô hình nuôi lươn sinh sản bằng nhân tạo đạt chất lượng, mang lại hiệu quả cao. Đây là nguồn lươn giống để cung ứng cho các cơ sở nuôi lươn thương phẩm không những trong huyện, tỉnh, mà còn các tỉnh khác./.