(Baonghean) - Tương Dương được biết đến là vùng quê nghèo khó, là một trong những huyện nghèo nhất nước. Sinh kế và nguồn thu nhập không ổn định nên phần lớn thanh niên đều tìm cách rời bỏ quê hương.

Tuy vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện những tín hiệu vui khi hàng loạt gia trại có hiệu quả kinh tế khá cao của các “ông chủ” trẻ ra đời và phát huy hiệu quả. 

1508721767915.jpgAnh Lê Đăng Dần chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: Đình Tuân

Ở xã Tam Quang, anh Lê Đăng Dần (làng Bãi Sở) được đánh giá một thanh niên năng động, cần cù, chịu khó và có chí làm giàu trên mảnh đất quê hương. Sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội, chờ đợi một thời gian dài nhưng không liên hệ được việc làm, có lúc Dần định vào các tỉnh phía Nam tìm kiếm cơ hội.

Trong tâm trí của chàng cử nhân sư phạm diễn ra cuộc giằng co giữa một bên là ra đi tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo và ở lại, bám trụ đất rừng để phát triển kinh tế. Sau bao đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng Dần quyết định ở lại quê nhà, đem trí tuệ và sức lực để khai thác tiềm năng vốn đất, vốn rừng.

Thời điểm ấy (năm 2011), gia đình Lê Đăng Dần có gần 4 ha đất lâm nghiệp được Nhà nước giao khoán nhưng chỉ mới khai thác khoảng 1 ha để trồng cây mét. Số diện tích còn lại vẫn để không chính là nơi để Dần “trổ tài” khả năng làm kinh tế và phát huy ý chí cũng như sự cần cù, chịu khó của mình. Anh quyết định huy động nguồn vốn từ anh em họ hàng và bạn bè để phát triển gia trại.

Làm kinh tế, phát triển trang trại trước tiên phải có kiến thức về lĩnh vực này, xuất phát từ ý nghĩ đó, Lê Đăng Dần quyết định khăn gói ra Học viện Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội để tìm hiểu và học hỏi cách chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng Tương Dương.

Anh đã chọn trồng 100 gốc táo ngọt H8, là loại táo có năng suất và chất lượng cao, hương vị đặc biệt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Loại táo này đòi hỏi việc chăm sóc phải đúng quy trình kỹ thuật và có kinh nghiệm xử lý sâu bệnh, được đào tạo bài bản nên Dần đã đáp ứng được yêu cầu này. Tiếp đến, anh triển khai trồng cam và quýt, đầu tư phân bón, chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật nên sau 3 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. 

Hiện tại, gia trại của Lê Văn Dần có 2 ha mét và hơn 1,5 ha táo, cam, quýt, bưởi, mít và ổi. Số diện tích còn lại anh đào ao thả cá, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để chăn nuôi bò với số lượng dao động trên dưới 10 con. Với chừng ấy số lượng cây – con, Dần đang có trong tay hàng trăm triệu đồng, mỗi năm thu về khoảng 120 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, các khoản vay cơ bản đã được thanh toán. Dần trở thành một “điểm sáng” của núi rừng Tam Quang trong phong trào Thanh niên lập nghiệp. 

Mô hình nuôi cá lồng của anh Ngân Văn Nội ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Từ Tam Quang, chúng tôi tiếp tục ngược lên Tam Đình, ghé bản Quang Phúc thăm mô hình trồng táo của anh Lô Văn Tình (SN 1989). Tình cũng đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nhưng gặp nhiều khó khăn trong liên hệ việc làm, cuối cùng anh quyết định về quê bám đất rừng phát triển kinh tế.

Dành thời gian đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, cuối cùng Tình quyết định tận dụng số đất lâm nghiệp của gia đình để trồng táo. Điều kiện kinh tế gia đình chưa cho phép triển khai với quy mô lớn nên bước đầu anh vay vốn 60 triệu đồng để mua cây giống và lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây.

Đến nay, Lô Văn Tình đã có 120 gốc táo và đã cho thu hoạch lứa đầu, trừ chi phí thu về số tiền 20 triệu đồng, và nguồn thu nhập chắc chắn sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Với diện tích đất còn lại, Tình dự kiến sẽ đầu tư trồng cây thanh long ruột đỏ để tăng thêm nguồn thu, khai thác triệt để tiềm năng vốn đất.

Cũng ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình, Ngân Văn Nội được đánh giá không chỉ là cán bộ Đoàn giỏi mà còn là một thanh niên năng động trong phát triển kinh tế. Nội tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên và may mắn được về quê công tác, được cấp trên tin tưởng và anh em đoàn viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã. 

Ngân Văn Nội quyết định làm gương, mạnh dạn vay vốn 20 triệu đồng, tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Khe Bố để nuôi cá lồng. Vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm, thời gian ngoài giờ làm việc chuyên môn, anh tranh thủ chăm sóc lồng cá, theo dõi quá trình phát triển và những dấu hiệu bất thường để kịp thời có phương án khắc phục.

Hiện tại, lồng cá đang phát triển tốt, Nội dự kiến thời gian tới sẽ vay thêm nguồn vốn để mở rộng diện tích và quy mô. Và quan trọng hơn, một số đoàn viên, thanh niên trong xã đã tìm đến Ngân Văn Nội để học hỏi cách chăn nuôi, phát triển cá lồng trên lòng hồ thủy điện. 

Ngoài mô hình phát triển kinh tế của Lê Đăng Dần, Lô Văn Tình và Ngân Văn Nội, người dân các xã ở Tương Dương còn biết đến nhiều “ông chủ” trẻ khác đang có trong tay hàng trăm triệu đồng nhờ chăm chỉ và bám đất, bám rừng. Đó là Quang Văn May – Bí thư Đoàn xã Lưu Kiền, là một điển hình thanh niên vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với gia trại cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Để khuyến khích đoàn viên, thanh niên nỗ lực phát triển kinh tế, Huyện đoàn Tương Dương đã thành lập CLB Thanh niên lập nghiệp với gần 70 thành viên tham gia. Cùng với kinh tế nông – lâm nghiệp, việc phát triển dịch vụ - du lịch cũng đang được khuyến khích phát triển. Tổ chức Đoàn còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. 

Anh Lê Hồng Thái – Bí thư Huyện đoàn chia sẻ: “Phong trào thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp là nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của tuổi trẻ Tương Dương năm 2017. Với những mô hình đã được xây dựng thành công, hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều “ông chủ” trẻ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, để nhiều thanh niên không còn phải đi làm ăn xa”.

Công Kiên  – Đình Tuân 

TIN LIÊN QUAN