(Baonghean) - Đêm Thành phố Vinh sáng rực ánh điện. Nhưng, đâu đó vẫn còn những phận đời bên vỉa hè, nơi góc khuất cần được sưởi ấm.
Thành phố lên đèn, dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập, gương mặt nào cũng hiện lên sự vội vã, ai cũng muốn về thật nhanh với gia đình sau một ngày tất bật mưu sinh. Tôi theo chân một nhóm bạn gồm 10 thành viên, đều là những người thuộc thế hệ 9X đi thực hiện một công việc mà họ đã lặng lẽ làm trong nhiều năm nay.
Nguyễn Trung Hiếu - trưởng nhóm thiện nguyện - trên chiếc xe cà tàng lỉnh kỉnh những hộp cơm được xếp sẵn. Chúng tôi hướng về phía chợ Vinh, lúc này người bán hàng đã soạn sửa ra về, bỏ lại những đống rác lớn đang xông mùi nồng nặc. Trước mái hiên một ngôi nhà cao tầng có một người đàn ông đang nằm dưới chiếc chăn mỏng. Một bạn trong nhóm bước lại đỡ dậy, bạn khác đưa hộp cơm và chai nước lại gần lễ phép mời.
Ánh mắt người đàn ông đang buồn rười rượi bỗng vụt lên những tia sáng, đưa tay đỡ lấy hộp cơm và không quên nói lời cảm ơn. Tranh thủ quãng thời gian ngắn ngủi, tôi hỏi chuyện và được biết ông từng có nhà cửa, gia đình nhưng vì một nguyên do nào đó đã ly dị vợ từ nhiều năm trước. Giờ đây, các con đều có nhà cửa, mấy lần mời bố về nhưng nỗi mặc cảm quá lớn ông đành chấp nhận cảnh ăn gió, ngủ sương.
Bên kia đường, một cụ già nằm quấn chiếc bì tải quanh mình, gối đầu lên mấy tấm bìa các-tông. Đỡ lấy hộp cơm và chai nước, đôi bàn tay gầy gò run lẩy bẩy, miệng lắp bắp những câu không ai nghe rõ. “Chiếc chăn chúng cháu tặng hôm trước đâu rồi?”- Nguyễn Trung Hiếu cất tiếng hỏi. Cụ già lại đưa đôi bàn tay run rẩy lên chỉ trỏ, miệng lại lắp bắp, càng nói càng không ai hiểu.
Mọi người đoán lúc chiều cụ đi đâu đó sơ hở nên chiếc chăn mới đã bị lấy cắp, đêm nay cụ sẽ phải co tấm thân già yếu và bệnh tật trong chiếc bì tải mỏng manh. Không ai biết cụ từ đâu đến, cũng chẳng biết cụ tên gì, chỉ biết đến đây đã lâu, ngày lang thang khắp nơi nhặt nhạnh phế liệu mưu sinh, đêm về ngủ nhờ mái hiên những ngôi nhà lớn...
Chúng tôi tiếp tục ngược lên phía ven sông Cửa Tiền, nơi trú ngụ của những hộ vạn chài sống đời lam lũ và cơ cực. Dùng ánh sáng đèn pin điện thoại lần theo lối mòn xuống bờ sông, chúng tôi đứng trước một con thuyền bé tẹo.
Mấy bạn trẻ cất tiếng gọi: “Ông bà ơi!”, chiếc thuyền chợt đong đưa bởi sự trở mình của chủ nhân rồi vọng ra những lời đáp mệt mỏi như là tiếng rên. Một bạn cầm 2 suất cơm bước lên mũi thuyền, qua ánh sáng của chiếc điện thoại tôi thấy một ông cụ gầy gò, râu dài bạc phơ vén màn đỡ lấy.Tôi nhận ra ông lão là nhân vật trong phóng sự của một đồng nghiệp, viết về câu chuyện tình cảm động của cặp vợ chồng già làm nghề nhặt ve chai sống trong chiếc thuyền nhỏ.
Cách đấy không xa, một túp lều tranh bé nhỏ hắt ra những tia sáng yếu ớt, những tiếng ho sù sụ. Trong túp lều ấy có 2 người phụ nữ- một già và một trung niên. Bà cụ bị câm, chỉ ú ớ được mấy lời, giao tiếp bằng cách ra hiệu, sống bằng nghề nhặt ve chai. Chị trung niên vì hoàn cảnh éo le phải rời bỏ gia đình, phiêu dạt kiếm sống bằng nghề hái rau dại bán cho các nhà hàng. Hai người không hề quen nhau, thậm chí cái tên cũng không biết nhưng vẫn góp tiền thuê chung túp lều làm nơi tránh nắng, che mưa. Và thi thoảng, họ lại nhận được những suất cơm miễn phí, là tấm lòng của những người bạn trẻ sinh sống ở Thành Vinh.
Từ chợ Vinh, tôi tiếp tục theo bước chân thiện nguyện lên Ga Vinh, vòng xuống khu vực bến xe để trao những suất cơm còn lại. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, gần 20 suất cơm đã được trao cho những người lang thang, cơ nhỡ. Mỗi cuộc đời là một cảnh ngộ, điểm chung giữa họ là không ai muốn kể về thân phận và gia cảnh của mình, không ai muốn trải lòng với người không quen biết.
Cũng là điều dễ hiểu, bởi đó toàn là những câu chuyện buồn đau và cay đắng, là những thân phận bất hạnh bị giông bão cuộc đời quăng quật và gánh chịu bao nỗi éo le. Trái tim đã bao lần đau đớn vì những vết thương đã trở nên chai sạn, họ không muốn và không có nhu cầu trải lòng, chia sẻ với người đời. Cái họ cần là ban ngày kiếm đủ cái ăn, đói lòng có người cho suất cơm, chiếc bánh, tối đến có chỗ ngã lưng ấm áp và không bị xua đuổi.
Dòng người vắng dần, lúc này những người bạn trẻ mới trở về với những công việc của riêng mình. Chỉ nói chuyện được mấy câu vội vàng với Nguyễn Trung Hiếu để biết thêm về nhóm thiện nguyện của người thanh niên 26 tuổi này. Nhóm có 20 thành viên thường trực, đều là những người trẻ tuổi, gồm cả sinh viên và những người đã có việc làm.
Đã 5 năm qua, đều đặn mỗi tuần 2 đêm Hiếu và các bạn đi phát gần 20 suất cơm miễn phí cho những người vô gia cư. Nguồn kinh phí một phần được một nhà hàng tài trợ, một phần kêu gọi các nhà hảo tâm và phần còn lại do các bạn tổ chức kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng để kiếm lãi./.
Công Kiên