(Baonghean) - Ông Trần Hải Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung (Nghi Lộc) dí dỏm bảo với chúng tôi: Nghi Trung “có” đường Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 48E, đường sắt Bắc - Nam, gần sân bay Vinh. Và nếu lấy Nghi Trung là trung tâm thì 3 “vệ tinh" xung quanh là: thành phố Vinh, thị xã biển Cửa Lò và Khu công nghiệp Nam Cấm. Như thế, gần như “Nghệ An có gì Nghi Trung có cái đó”…
Với vị trí địa lý khá đặc thù này, câu chuyện mà vị Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Trung dè dặt đặt ra là liệu địa phương có nên “bám riết” vào nông nghiệp hay không? Bởi lẽ nhiều năm qua, người dân xã Nghi Trung chưa bao giờ sống thực sự bằng canh nông thuần túy. Ông Trần Hải Dương cho biết, với dân số 2.300 hộ/8.300 khẩu, diện tích tự nhiên của xã Nghi Trung là 800 ha. Trong đó có 590 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc canh tác lúa thì cây lạc cũng được xem là cây trồng chủ lực, truyền thống của xã Nghi Trung với diện tích gieo trồng bình quân hàng năm là 220 ha. Bên cạnh đó, còn có 50 ha ngô trồng tập trung cùng 130 ha trồng xen với các loại rau màu khác…
Với một xã nông nghiệp, những con số nêu trên cũng được coi là “tạm ổn”. Tuy vậy thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở xã “hàng xóm” của vùng ven thành phố Vinh đang bị “teo” lại từ quy mô đến tính chất. Cụ thể, trong tỷ trọng kinh tế của xã Nghi Trung, giá trị mà ngành kinh tế nông nghiệp mang lại chỉ chiếm khoảng 23%.
Ông Trần Hải Dương cho rằng, kết quả khiêm tốn này gần như phản ánh tính tất yếu khách quan của địa phương; hiện tại, để sản xuất 1 sào lúa, người dân phải cần 6 tháng. Với năng suất bình quân như lâu nay là 3,5 tạ/ha, giá lúa 600.000 đồng/tạ, người dân chỉ thu được 2,1 triệu đồng từ trồng lúa. Giá trị này chưa bao gồm tiền phân bón, tiền thuê cày bừa. Sản xuất lúa đã vậy, còn với lạc, được xem là cây màu chủ lực cũng không sáng sủa hơn.
Ông Dương tính toán: “Một sào lạc cần 12 kg giống, tương đương 500.000 đồng; 6kg ni lông phủ có giá 240.000 đồng; 4kg đạm, 15 - 20kg NPK; 4 tạ phân chuồng; thuê máy làm đất 2 lần với tổng số tiền khoảng 200.000 đồng; chưa kể công gieo, chăm sóc… Đến vụ thu hoạch gần như người nông dân chẳng còn tích trữ được xu nào!”.
Nói thêm về cây lạc, được biết, để chủ động cơ cấu giống lạc cho năm 2017, vụ đông vừa qua, xã Nghi Trung triển khai gieo trỉa 20 ha lạc L14. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ liên tiếp, diện tích lạc giống của xã Nghi Trung gần như mất trắng, mỗi sào tối đa chỉ thu được 10kg củ. “Người làm nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chỉ giải quyết được phần nhỏ. Đầu năm 2016 đợt rét đậm, rét hại lịch sử đã khiến các diện tích canh tác của người dân hư hại hoàn toàn, tiếp đó vào các tháng 9, 10, 11 liên tục xảy ra 3 đợt lũ lụt khiến không cây trồng nào sống được. Thử hỏi người dân còn thiết tha với sản xuất nông nghiệp không?” - ông Trần Hải Dương tỏ ra ưu tư khi nói về thực tế này.
Xây dựng các mô hình kinh tế gia trại, trang trại để phát huy lợi thế của địa bàn cũng là cách mà một số hộ dân đã và đang thực hiện ở xã Nghi Trung. Hiện nay, xã có hơn 10 mô hình phát triển kinh tế gia trại và phần lớn mới bước đầu thực hiện.
Theo chân ông Trần Hải Dương, chúng tôi đi qua những cánh đồng bỏ hoang lấp xấp nước để đến gia trại chăn nuôi của anh Nguyễn Đình Dũng ở thôn 7. Đây là địa bàn giáp ranh giữa xã Nghi Trung và xã Nghi Liên (TP. Vinh). Toàn bộ vùng trũng này được xem là túi nước của xã trong mùa mưa, vậy nên bao nhiêu năm nay không ai cải tạo, canh tác. Năm 2015, chàng thanh niên Nguyễn Đình Dũng (sinh năm 1986) làm thủ tục xin phép nhận thầu 1,3ha để phát triển mô hình chăn nuôi. Tại đây, Dũng đã đầu tư gần 1,8 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng với hệ thống chăn nuôi 300 con lợn siêu nạc nhập ngoại, 30 con lợn nái. Ngoài ra, trên diện tích 7.000 m2 mặt nước, Dũng thả các loại cá trắm, chép, mè, leo… Vừa qua, anh đã xuất chuồng 150 con lợn với tổng trọng lượng 20,5 tấn và thu về 880 triệu đồng. Lứa cá rô phi đơn tính thả hồi tháng 3 năm nay sau khi nhập cho thương lái cũng tạo ra nguồn thu 150 triệu đồng. Và dưới ao vẫn còn 3 - 4 tấn cá chưa bán, đây là phần “nguyên lãi”. Nguyễn Đình Dũng cho biết, tới đây anh sẽ thả nuôi thêm 1.000 con gà, giống gà lai chọi và gà cỏ rất được thị trường ưa chuộng.
Cũng tại xã Nghi Trung, còn có mô hình nuôi cá leo của gia đình ông Đặng Hữu Lương, ở thôn 8. Mô hình được hỗ trợ bởi Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Cá leo bắt đầu thả từ tháng 4/2016, thời gian nuôi dự kiến 9 tháng, nhưng sau 6 tháng, con nhỏ nhất đã đạt 2 kg, con lớn đạt hơn 5kg. Theo giá thị trường, cá leo khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg, mô hình của gia đình ông Đặng Hữu Lương có thể lãi hơn100 triệu đồng chỉ sau nửa năm thả nuôi.
Những mô hình kinh tế nói trên ở xã Nghi Trung bước đầu cho thấy hiệu quả, nhưng còn rất khiêm tốn và việc áp dụng nhân rộng là một thách thức lớn.
Trước thực tế chung của bức tranh sản xuất nông nghiệp ở các xã lân cận thành phố Vinh, người dân Nghi Trung có một phương thức mưu sinh khá đơn giản và hiệu quả. “Sáng ra dắt bai (dụng cụ thợ xây – PV) vào lưng, chiều về đã có vài trăm nghìn bạc” - ông Nguyễn Văn Long, người dân thôn 7 nói về công việc mà nhiều người đang làm để kiếm thêm thu nhập. Không ai thống kê, hiện nay Nghi Trung có bao nhiêu người tham gia làm thợ nề, phụ hồ, bốc vác… nhưng con số ước là rất lớn. Chồng thợ xây, vợ phụ hồ là “mô hình” làm ăn của nhiều gia đình ở Nghi Trung. Theo đó, công thợ xây chính hiện nay khoảng 230.000 - 250.000 đồng/ngày, với thợ phụ hồ là 150.000 - 170.000 đồng/ngày. Một ngày làm việc, sau khi trừ chi phí, mỗi cặp vợ chồng cũng tích lũy được khoảng 300.000 đồng. Mỗi tháng chỉ cần đi làm 20 ngày họ đã có 6.000.000 đồng. Tiền học hành cho con cái, chi tiêu trong gia đình cũng từ đó mà ra. Nếu chỉ bám vào nông nghiệp thuần túy sẽ không thể “trụ” được.
Bên cạnh đó, ở xã Nghi Trung, phần lớn thanh niên, lao động trẻ cũng không mấy người làm ruộng. Nếu không “Nam tiến” thì họ cũng có sự lựa chọn là vào làm công nhân tại các nhà máy, công xưởng trong Khu công nghiệp Nam Cấm đóng trên địa bàn huyện. “Làm ruộng thì lấy đâu tiền mặt mà lo cái ăn cái mặc. Đi làm công ty, như làm gấu bông, bật lửa ít ra tháng cũng có dăm, ba triệu mà mua sắm” - một người dân ở Nghi Trung chia sẻ.
Trở lại với ông Trần Hải Dương, câu chuyện của chúng tôi tiếp tục xoay quanh phương kế mưu sinh của người nông dân trong điều kiện mà việc sản xuất, canh tác không còn hiệu quả nữa. Vấn đề được đặt ra là, nên chăng có một doanh nghiệp đủ mạnh nào đó đứng ra thành lập những tổ chức như: nghiệp đoàn, HTX lao động hoặc công ty cung ứng dịch vụ lao động… để thu hút người nông dân tham gia. Ở đó người nông dân sẽ được hỗ trợ về việc làm phù hợp, đảm bảo những quyền lợi cơ bản và quan trọng hơn là tạo ra tính ổn định lâu dài. Liệu có quá lãng mạn không? Theo ông Dương, điều này hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn. Ruộng đất bỏ hoang nhiều, manh mún lại canh tác kém hiệu quả đang đặt ra thách thức về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho các địa bàn như xã Nghi Trung. Tuy nhiên, giả sử có doanh nghiệp nào muốn triển khai dự án về nông nghiệp cũng rất khó. “Bởi lẽ thật khó mà thuê được đất của nông dân kể cả khi họ bỏ hoang không sản xuất. Đó cũng là một thực tế” - Ông Trần Hải Dương chia sẻ.
Mảnh đất Nghi Trung mà tôi từng biết là quê hương của nhiều văn nhân, nghệ sỹ, trong đó tiêu biểu phải kể đến Hoài Thanh - Hoài Chân là hai nhà phê bình văn học hàng đầu của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Và cũng có một hiện thực khác đã và đang diễn ra trên vùng đất này mà cơm áo không đùa được - Đó là việc lựa chọn con đường phát triển kinh tế vì sự bền vững./.
Đào Tuấn
TIN LIÊN QUAN |
---|