(Baonghean) - Tuổi thơ tôi gắn bó thân thiết với con đường Đặng Thai Mai. Thuở xưa, con đường này vắng vẻ lắm nên lũ trẻ con chúng tôi vẫn nhảy dây, chơi ô ăn quan mỗi ngày. Thời gian trôi đi, khu công nghiệp Bắc Vinh được hình thành, tuyến phố từng được xem là ngoại thành Vinh trở nên sôi động, cuộc sống của cư dân quanh vùng cũng nhờ vậy mà đa dạng hơn.
Sáng nào cũng vậy, lúc tôi dắt xe ra khỏi cổng cũng là lúc hàng trăm công nhân lũ lượt kéo nhau đi làm tại các công xưởng, nhà máy. Người đi xe máy, kẻ đi xe đạp và cũng có rất nhiều người đi bộ.
Họ bước ra từ những xóm trọ để bắt đầu ngày mới của mình, bên xe máy, xe đạp lủng lẳng cặp lồng cơm dành cho bữa trưa. Từ những công nhân ngành may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng cho đến các ngành công nghiệp khác đều hối hả hòa vào tiếng máy, tạm gác lại sau lưng những gì dành riêng cho tổ ấm gia đình.
Tôi cứ mường tượng, bên hệ thống nhà xưởng, máy móc, ốc vít những công nhân trở nên tự tin hơn rất nhiều so với khi họ trở về đời thường giữa cuộc sống. Cũng có thể môi trường công việc đã ít nhiều tác động đến tính cách của họ. Sự xuất hiện của hàng loạt nhà máy với hàng ngàn công nhân khiến cho cả vùng dân cư thay đổi.
Trong ký ức của tôi, vùng đất xã Hưng Đông trước kia thuộc khu vực nông nghiệp ngoại thành Vinh. Ở đây, mọi người làm ruộng, trồng rau chẳng khác bao vùng nông thôn khác. Ngày ấy, vào những buổi sáng tinh sương tôi vẫn thường bị đánh thức bởi tiếng kin kít đạp xe của các chị, các bà mang rau đi bán.
Tôi quen cái âm thanh ấy đến mức, nó gần như trở thành “chuông báo thức” của tôi vào mỗi ngày. Hôm nào không nghe thấy y như rằng tôi thức dậy muộn và thầm trách bác hàng rau một cách rất vô lý. Lại nhớ chỗ tôi ở gần với bãi rác Hưng Đông, hàng ngày đều bị tra tấn bởi không khí bức bối. Mùa Hè càng tệ. Đã thế, vùng rau Đông Vinh của xã lại nằm sát cạnh bãi rác ấy. May mà cuối cùng thành phố cũng đã chuyển bãi rác đi nơi khác, cuộc sống vùng ven đô nhờ vậy yên ổn hơn.
Khu công nghiệp Bắc Vinh hình thành, người dân cũng chủ động xây dựng các dãy trọ cho công nhân thuê. Bác Bình hàng xóm nhà tôi, xưa có một khoảng đất trống để không. Trên khu đất trống của nhà bác Bình mọc lên dãy nhà trọ với 19 phòng cho thuê.
Cũng nhờ khu nhà trọ, gia đình bác Bình có thêm khoản thu nhập kha khá hàng tháng. Hơn thế, sau hơn mười năm Khu công nghiệp Bắc Vinh đi vào hoạt động, khu nhà trọ nhà bác Bình đã trở thành mái ấm thứ hai của không biết bao nhiêu công nhân đến từ các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu...
Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, tôi vẫn thường ghé qua phòng các chị công nhân trò chuyện. Tôi rất cảm mến bản tính thật thà, chất phác của những con người bình dị, dễ gần ấy. Gắn bó gần mười năm với nhà trọ bác Bình có vợ chồng anh Tuấn, chị Hoa người Quỳnh Lưu.
Tôi chẳng bao giờ quên hình ảnh anh Tuấn ngày đầu chân ướt chân ráo vào thành phố Vinh xin việc làm, trông anh ngố đến thật tội. Người đen nhẻm, là chàng trai vừa học hết cấp 3 trường huyện, không có cơ hội học đại học nên anh Tuấn xin phép gia đình vào Vinh tìm việc.
May mắn thay, ngày đó anh được nhận vào làm công nhân tại Nhà máy gạch Granite Trung Đô. Niềm vui ấy có khi sánh ngang với niềm vui đỗ đại học của một chàng trai nào đó. Người quê mà, có một công việc ổn định để làm hơn hẳn ở nhà cày mấy sào ruộng. Mấy năm sau, anh Tuấn đem lòng yêu rồi cưới chị Hoa, là người cùng huyện vào Vinh làm công nhân công ty may.
Đám cưới nhỏ gọn của vợ chồng anh tổ chức ngay xóm trọ, khách mời toàn bạn bè cùng công ty và đôi ba người hàng xóm như tôi hay gia đình bác Bình chủ nhà. Thế mà ấm cúng, vui vẻ. Lần lượt, vợ chồng anh Tuấn sinh một bé trai và một bé gái. Thấm thoát, giờ đứa lớn đã học lớp 2, đứa nhỏ vừa tròn 1 tuổi.
Đời sống người công nhân xa quê đôi khi chỉ cần như thế cũng đủ làm người ta mãn nguyện. Những công nhân từ các huyện về đây làm việc có đến hàng ngàn người. Họ đến đây không chỉ mong kiếm một công việc ổn định, mà muốn tìm một mái ấm cho riêng mình như vợ chồng anh Tuấn, chị Hoa.
Giờ tôi đã đi lấy chồng, cũng chỉ cách “nhà ngoại” vài cây số. Thi thoảng tôi mới về thăm bố mẹ. Mảnh đất cuối cùng của xã Hưng Đông đã khác xưa rất nhiều. Khác từ cây cầu vượt cắt qua Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt để đi vào Khu công nghiệp Bắc Vinh cũng như nối Vinh với huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn. Vào 6 giờ chiều cả tuyến phố cứ như vào hội, từng tốp công nhân rời nhà máy, hòa vào dòng đời với tiếng nói cười rộn rã cả vùng.
Thiên Thiên
TIN LIÊN QUAN