(Baonghean) - Xưa có truyền thuyết về bà Nữ Oa đội đá vá trời để cứu loài người tránh khỏi thiên tai và đưa lại cuộc sống yên bình tươi sáng cho con người. Thời nay cũng đang có những phụ nữ đang đánh đổi cả nhan sắc và sức khỏe để đội đá lo cuộc sống gia đình.
Đời đá
Nằm cách trung tâm xã khoảng 3km, mỏ đá Lèn Cờ (xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) là một trong những nơi cung cấp đá xây dựng cho nhiều địa phương. Tiếng mìn nổ, máy xay đá gầm rú nơi mỏ đá ầm ầm...
Đứng trước mỏ đá, một khung cảnh với hàng chục chiếc máy xay đá đang hoạt động ầm ĩ và những chiếc xe tải vào lấy đá nhộn nhịp như một đại công trường. Trong làn khói bụi thấp thoáng những bóng người nhỏ bé đội đá. Đa số công nhân làm đá ở đây là phụ nữ. Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm Hợp Thành, xã Nam Thành) cho biết: “Công việc đội đá cực nhọc lắm các chú ạ. Ngày nào cũng phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng chuẩn bị cơm nước rồi sau đó ra mỏ đá. Nhiều hôm trưa chỉ ăn tạm gói mì tôm rồi làm cho đến tận tối mới về”.
Nhiều người gắn cả cuộc đời với mỏ đá này.
Chỉ với những dụng cụ lao động đơn giản là một chiếc rổ và chiếc xẻng, những người phụ nữ ở đây làm việc quần quật từ lúc 5 giờ sáng đến khi mặt trời đã xế bóng mới về. Những lúc có xe ở xa đến lấy đá, họ còn phải làm đến tận khuya. Làm việc cực nhọc nhưng thu nhập của chị em chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/người/ngày.
“Biết là vất vả, đồng tiền chẳng đáng công sức bỏ ra nhưng không làm nghề này biết làm cái gì để kiếm sống, nuôi gia đình, nuôi con. Thuận lợi là làm việc gần nhà nên không mất tiền ăn ở, không phải xa con cái. Ngày trước chưa đấu thầu, mỏ đá là của chung. Nhưng giờ đã có chủ nên đành phải chấp nhận đi làm thuê thôi chứ bỏ nghề này biết lấy gì mà sống.”- Chị Trần Thị Huệ (xóm Hợp Thành) tâm sự.
Ở vùng đất khô cằn sỏi đá này thu nhập từ nông nghiệp chẳng đủ ăn, lại bấp bênh, phụ thuộc cả vào thời tiết cho nên những người đàn ông trong làng đều kéo nhau đi làm ăn xa, chỉ có vài người được đào tạo học cách nổ mìn nên còn ở lại bám trụ nghề này.
Bây giờ là thời điểm vào mùa xây dựng nên mỏ đá hoạt động liên tục để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những người phụ nữ này phải làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm cho kịp xe đến lấy đá, tăng thêm chút thu nhập bù lại những ngày nghỉ tết vừa qua. Làm việc quần quật cả ngày ngay dưới vách núi đá dựng đứng rất nguy hiểm nhưng họ lại không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm cũng như dụng cụ an toàn lao động nào bảo vệ.
Bà Nguyễn Thị Long, một người gắn bó với nghề này hàng chục năm, tâm sự: “Biết là không có hợp đồng lao động và bảo hiểm chúng tôi chịu thiệt thòi lắm, nhưng không làm thì lấy chi mà nuôi con. Chị em làm ở đây đều có con ăn học cả, đành phải cố thôi”.
Được biết, mỏ đá Lèn Cờ có hơn 100 lao động làm việc thường xuyên, trong đó đa số là phụ nữ tuổi đời từ 30 trở lên. Thậm chí có những người đã “U” 50, 60 nhưng vẫn phải bám lấy đá kiếm sống.
Các nữ lao động khổ cực đội đá vá đời.
Lưng còng đội đá nuôi con
Bà Phan Thị Hồng người thâm niên nghề đội đá, ở vào cái tuổi lục tuần, khuôn mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn, mái tóc hoa râm... nhưng đôi tay vẫn nhanh nhẹn nhặt từng viên đá cho vào rổ đưa vào máy xay. Vừa làm bà vừa tâm sự: Sinh được 3 người con nhưng chồng mất sớm, một mình bà cáng đáng công việc gia đình nên khá vất vả. Đặc biệt là hai đứa con đang học đại học. Từ ngày nhà có thêm người con dâu, công việc trong gia đình đỡ vất vả hơn.
Người được mệnh danh “phu đá” là bà Nguyễn Thị Long đã hơn 30 năm gắn bó với nghề. Mắc căn bệnh viêm phổi hành hạ, những lúc trái gió trở trời bà lại lên cơn, sức khỏe giảm sút... khiến cho cuộc sống của bà ngày càng khó khăn thêm. Có tới 8 người con, chồng lại mất sớm nên hầu như toàn bộ công việc do một mình bà lo toan. Hiện gia đình bà Long có 2 con học đại học và một đang học cấp 3. Cả 3 đều học xa nhà. Cũng vì sức khỏe yếu, nên hằng ngày bà chỉ đi nhặt đá vụn quanh mỏ chứ không còn đội đá như ngày trước. Với công việc đó, mỗi ngày bà thu nhập được khoảng 30.000 đồng.
Ở cái vùng đất mỏ đá Lèn Cờ này có lẽ không ai là không biết đến hoàn cảnh của chị Hoàng Thị Đại. Năm 2009 tai họa ập đến với gia đình chị khi người chồng đi làm bị đá rơi đè chết. Cuộc sống chồng chất khó khăn, một mình chị nuôi 4 con ăn học. Hiện nay người con gái đầu đang học một trường cao đẳng ở Vinh, còn 3 con còn lại đang học cấp 2 và cấp 3. Các con của chị đều đạt những kết quả cao trong học tập.
Trong ánh nắng yếu ớt xế chiều của những ngày cuối đông lạnh giá, bóng những người phụ nữ đổ dài trên vách đá, họ đang từng ngày vất vả khổ cực để đổi lấy bát cơm manh áo cho con họ ngày mai tươi sáng.