Trên thân thể của những người phụ nữ chân yếu tay mềm ấy ở vùng gió biển Cửa Lò vẫn còn dấu vết của những trận đòn oan nghiệt, của những năm tháng bị đọa đày về tinh thần. Lặng im hay lên tiếng? Đó là nỗi giằng xé trong tâm can họ có thể 10 năm, thậm chí 20 năm. Cho đến một ngày...

Từ những thân phận

40 tuổi nhưng chị Trần Thị X đã bị không ít người gọi bằng bà. Thân hình 38 cân, khuôn mặt nhăn nheo xám, tuổi xuân của chị đã trôi qua từ 19 năm nay bởi ông chồng có sở thích hành hạ vợ ngay cả khi say lẫn khi tỉnh. Có những lần chị đã trốn vào buồng, anh còn hun khói, xịt hơi cay buộc chị phải ra chịu tội. Chị vụt chạy qua bờ rào nham nhở những mảnh chai để cố thoát thân. Đã thế, anh còn khiến chị sợ hãi, tủi nhục ngay cả trong quan hệ thể xác. Đã bao đêm nước mắt đẫm gối, bao lần chị bàng hoàng nhìn lại: đây là chồng mình ư? Không dám hé chuyện với bên ngoại, sợ bố mẹ già mất ngủ vì thương con; chuyện này kể ra xấu mặt cả gia tộc, lại còn 3 đứa con nữa. Chị đã nín nhịn.

Chị Hoàng Kiều L- một giáo viên cũng đã 14 năm sống trong cay đắng. Bất cứ điều nhỏ nhặt nào, chị cũng bị chồng " bắt lỗi": Xe hỏng về muộn, soạn giáo án khuya...Có đêm đang soạn bài, chồng chị đùng đùng vơ tập giáo án quăng vào chuồng lợn. Có lần về muộn do phải dạy thêm tiết, anh cài chặt then cửa không cho chị vào nhà, chị đành ngồi co ro trong sương lạnh và khóc cả đêm vì chị không dám đến đâu ngủ nhờ sợ anh gây chuyện và sợ mọi người biết chuyện gia đình. Nhiều ngày, chị và các con bị anh đuổi nhốt xuống bếp. Quyết định làm đơn ly hôn thì anh dọa: Bỏ tôi thì cô và con cũng chết.

763840_small_61096.jpgTư vấn cho nạn nhân bị bạo hành.

Câu chuyện của chị Hoàng Thị L lại là câu chuyện của người vợ 11 năm " sáng bị chồng đánh, chiều vẫn đóng vai vợ hạnh phúc". Chồng chị đẹp trai, lại có vị thế trong xã hội, vậy nên quyền anh ngày một lớn trong gia đình, còn chị thì ngược lại. Đánh, mắng và không cho chị cất lời, chị có cảm giác mình như người ở. Thế nhưng khi cần phải có vợ trong những cuộc ngoại giao, chị phải trở thành người vợ hạnh phúc, rạng ngời.

Và còn nhiều câu chuyện khác nữa, của chị H, chị L, chị B...

Lau nước mắt, đứng dậy...

Với sự tài trợ của Quỹ Ford, hỗ trợ kỹ thuật và điều phối của Công ty Tư vấn đầu tư y tế ( CIHP), từ tháng 5-2006, Thị xã Cửa Lò đã triển khai dự án Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành giới dựa vào cơ sở y tế và cộng đồng.

Dự án đã thực sự thổi đến vùng quê biển này một luồng gió mới. Không chỉ vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và phòng chống bạo hành, dự án đã có trung tâm tư vấn hạnh phúc gia đình, tại Bệnh viện đa khoa có khám và sàng lọc các bệnh nhân bị bạo hành, có địa chỉ hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành tại các phường xã.

Dự án đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng chống nạn bạo hành như góc triển lãm "Những mảnh đời có thật", thành lập nhóm Phụ nữ tự lực, nhóm "Nam giới có trách nhiệm tại một số xã, phường, kéo " vào cuộc" nhiều ban ngành cùng chung tay.

Từ đây, những người phụ nữ với những vết thương của 10 năm, 20 năm đã tìm được chỗ dựa và sức mạnh mới. Họ đã biết lau nước mắt đứng dậy để lên tiếng về những oan ức, đớn đau, họ dám đối mặt hoàn cảnh và biết mình không đơn độc.

Nhóm phụ nữ tự lực" khi câu lạc bộ được thành lập, chính sự nâng đỡ, cảm thương từ những buổi sinh hoạt, những lần thăm nom, chia sẻ những khi ốm đau của chị em cùng cảnh ngộ mà chị em dần dần mạnh dạn tham gia sinh hoạt.

Ban đầu, thành viên của nhóm chỉ là những người bị bạo hành và đã ly hôn, nhưng sau này, nhóm kết nạp thêm cả những chị em đang và có nguy cơ bị bạo hành. Bây giờ nhóm gồm có 12 thành viên nòng cốt, họ thường xuyên gặp gỡ, động viên nhau vượt qua những khổ đau, tủi nhục. Từ khi thành lập đến giờ cứ đều đặn mỗi tháng các thành viên trong nhóm lại sinh hoạt với nhau một lần vào ngày cuối tháng.

Ngoài được cung cấp những thông tin, kiến thức về bình đẳng giới, những kỹ năng xử lý tình huống thì tại các buổi sinh hoạt, họ có thể nói lên những điều mình muốn nói. Chính quyền phường cũng rất quan tâm đến các chị, bởi nhờ hoạt động của các chị mà nỗi đau từ nạn bạo hành đã giảm đi rất nhiều. Ở đó, các chị được sống và được tin vào hạnh phúc.


Thùy Vinh