(Baonghean) - Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Ở Cửa Lò, nhiều làng nghề truyền thống ngày càng phát triển nhờ sự đầu tàu của chính những người vợ, người mẹ tần tảo sớm hôm…

Ngày cuối năm, chúng tôi về làng nghề chế biển hải sản Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò), vào gia đình chị Võ Thị Hoa (khối 7) – một trong những hộ tham gia nghề nướng cá mấy chục năm nay. Trên hai lò than đỏ rực là cá trích, cá hồng, cá nục, cá bạc má xếp từng lớp.
 
Nhanh tay trở cá, chị Hoa kể: “Nghề nướng cá đã theo tôi từ thời bé, lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ một buổi nướng cá, một buổi gánh ra chợ bán. Rồi lấy chồng cũng là dân biển nên tôi đem theo nghề nướng cá về nhà chồng, nghề này tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu chính cho cả nhà. Hiện mỗi ngày gia đình tôi nướng trên 2 tạ cá các loại. Sáng ra, hai vợ chồng chở cá đi bán tận Nam Đàn, Thanh Chương. Dịp cuối năm, tôi còn nướng thêm cá thu, cá thửng để phục vụ ngày Tết”. 
images1117433_co_s__ch__bi_n_h_i_s_n___nghi_t_n___th__x__c_a_l_.jpgChế biến hải sản ở phường Nghi Tân - Thị xã Cửa Lò.
Cũng làm nghề chế biến hải sản nhưng chị Lê Thị Kim (ở khối Hải Giang 1 – Nghi Hải) là người chuyên chế biến và kinh doanh nước mắm truyền thống. Đây là một trong những cơ sở có quy mô nhất của làng nghề nước mắm Hải Giang 1.
 
Chị Kim cho biết: Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Nghi Hải, từ thời ông bà nội ngoại, rồi đến đời cha mẹ chị đều là những ngư dân quanh năm bám biển. Chị còn nhớ như in những chuyến ra khơi của cha kéo theo nỗi mong chờ của cả gia đình bởi từ những con cá, con tôm cha đánh bắt được, sẽ trở thành sản phẩm nước mắm do chính bàn tay tần tảo của mẹ làm nên. Và cũng từ vị mặn thơm đậm đà khó quên của sản phẩm nước mắm ấy, là quần áo, sách vở cho các em chị tới trường, nuôi lên những ước mơ, hoài bão.
 
Chị trở thành nhân viên Xí nghiệp Thủy sản Cửa Hội sau khi đã tốt nghiệp xong cấp 3. Một thời gian sau, chị Kim quyết định về nhà mở cơ sở sản xuất nước mắm tại gia đình. Năm 1995, chị bắt tay vào sản xuất, năm 2003 cơ sở của chị mở rộng quy mô, công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký nhãn mác để khẳng định thương hiệu nước mắm Võ Kim. Hiện nay, cơ sở của chị Kim chuyên sản xuất các loại nước mắm đặc biệt, thượng hạng, loại 1 và loại 2, ngoài ra cơ sở còn sản xuất thêm mắm tôm và mắm chua. Với 6 lao động thường xuyên có thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng, tổng thu 1 năm của Võ Kim đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm. Cơ sở sản xuất nước mắm Võ Kim đang là mô hình điểm của làng nghề.
 
Điều đáng mừng, chính những người có kinh nghiệm làm nước mắm cổ truyền như chị Kim chính là người giữ nghề, truyền nghề và làm giàu từ nghề để làng nghề ngày càng phát triển. Với chị Kim, dù nghề làm nước mắm có cực nhọc đến bao nhiêu cũng là nghề “cha truyền con nối” nên chị quyết giữ lửa cho làng nghề để phát triển kinh tế gia đình.  Ngoài chế biến nước mắm, từ những hải sản đánh bắt được, phụ nữ làng nghề còn chế biến ra rất nhiều sản phẩm mang hương vị biển như tôm nõn, cá thu nướng, cá trích nướng, mực khô, tép biển khô…
 
Toàn Thị xã Cửa Lò hiện có 5 làng nghề và 2 làng có nghề. Nhìn chung các làng nghề đang hoạt động có hiệu quả. Thu nhập của nghề chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập của làng (60-70%); giải quyết việc làm cho khoảng 800 lao động có thu nhập ổn định, trong đó có hơn nửa là phụ nữ. Chị em đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ, duy trì và phát triển các làng nghề trên địa bàn Thị xã. Bởi hầu hết những làng nghề ở Cửa Lò rất cần đến sự chăm chỉ, chịu khó, cẩn thận của chị em.
 
Đàn ông vùng biển chủ yếu ra khơi, vào lộng, đi thuyền đánh cá, còn phụ nữ vùng biển ngày ngày chờ đợi những chuyến ra khơi của chồng, trước đây, những sản phẩm mà người chồng đánh bắt về được các bà, các mẹ chế biến để ăn dần hoặc phơi khô, cất kỹ.
 
Ngày nay khi tàu to, thuyền lớn, trữ lượng đánh bắt nhiều hơn, các bà, các mẹ lại chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau đem bán ra thị trường, trao đổi thành hàng hóa, mở rộng quy mô làng nghề dần mở rộng. Khi xã hội phát triển, làng nghề vững mạnh, chị em không chỉ dừng lại ở chế biến mà còn là người truyền nghề, giữ lửa làng nghề truyền thống và làm chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở chế biến của gia đình.
 
 Thanh Thủy