(Baonghean) - Từ những chủ trương, chính sách khuyến khích của Nhà nước, hệ thống trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển khá cả về số lượng và chất lượng. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại làm ăn giỏi với quy mô lớn, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế các địa phương và tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại phát triển bền vững hơn trong chặng đường tiếp theo, còn nhiều vấn đề cần quan tâm tháo gỡ.

Những năm gần đây, kinh tế trang trại đã có bước phát triển nhanh và đa dạng. Những hiệu quả kinh tế, xã hội của mô hình này đã được chứng minh trong thực tế hàng chục năm qua, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật  nuôi  được chuyển dần theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2012, toàn tỉnh có trên 2.760 trang trại đạt tiêu chí cũ. Khi Bộ NN& PTNT có Thông tư 27/2011 về quy định tiêu chí mới, thì đến năm 2013 toàn tỉnh có 420 trang trại và ước tính năm 2014 có khoảng 500 trang trại đạt tiêu chí mới (có giá trị sản lượng hàng hóa đạt từ 500 triệu đồng và 1 tỷ đồng trở lên/trang trại)
images1117422_trang_tr_i_chan_nu_i_g__c_a__ng_ph_m_van_c_n__di_n_trung___di_n.jpgTrang trại chăn nuôi gà của ông Phạm Văn Cần (Diễn Trung - Diễn Châu).
 
Trang trại chăn nuôi gia cầm của ông Phạm Văn Cần ở xóm 10, xã Diễn Trung (Diễn Châu) thời điểm này đang tập trung chăm sóc cho đàn gà để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Trang trại của ông Cần có quy mô 13.000 con gà,  có thời điểm lên tới 19.000 con, chủ yếu nuôi giống gà thịt thương phẩm và gà sao giống Ai Cập, cung cấp trứng và gà thịt cho thị trường các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hoá…
 
Mỗi năm bán ra thị trường từ 120 - 150 tấn gà thịt thương phẩm.  Những năm thuận lợi, trang trại đạt tổng doanh thu từ 3 - 4 tỷ đồng, sau khi trừ các loại chi phí đầu vào còn lãi ròng khoảng 1 tỷ đồng/năm. Từ quyết tâm của một người nông dân dám nghĩ, dám làm, ông Cần đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để gây dựng trang trại, hoạt động ổn định 10 năm nay. Quá trình làm kinh tế trang trại cũng có năm được, năm thua. Song điều ông băn khoăn nhất là đầu ra cho sản phẩm vẫn phụ thuộc thị trường, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
 
Trang trại của ông Nguyễn Kim Chiến ở xóm 4, xã Nam Anh (Nam Đàn) được xây dựng từ năm 2005. Ông quyết định làm trang trại sau khi thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất, được huyện Nam Đàn cho phép làm dự án chăn nuôi trên tổng diện tích gần 1 ha. Ông đào ao thả cá và xây dựng khuôn viên chuồng trại chăn nuôi. Với quy mô 50 lợn nái sinh sản, 200 con lợn siêu nạc thương phẩm và 200 con gà. Riêng đàn lợn thịt mỗi năm xuất chuồng khoảng 20 tấn, doanh thu từ 800 - 900 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.
 
Theo ông Chiến thì đầu ra hiện đang thuận lợi, nhưng về lâu dài khi nguồn cung hàng hóa nhiều hơn thì sẽ khó, do đó cần thiết phải có sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế trang trại bền vững cần nhiều yếu tố hỗ trợ, nhưng trước hết phải có những đơn vị cung ứng con giống tốt tại địa phương, tránh tình trạng như hiện nay, nhiều trang trại muốn chọn con giống tốt phải ra tận Hà Nội, rất vất vả và tốn thêm chi phí đầu vào.
 
Việc liên kết “4 nhà” để hỗ trợ hộ nông dân phát triển kinh tế hàng hóa được đề ra nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Thực tế vẫn chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích các nhà khoa học và doanh nghiệp hỗ trợ trang trại phát triển, hay khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; cung ứng đầu vào và giúp cho chủ trang trại tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất ổn định, bảo đảm có lãi để phát triển. Để có khối lượng hàng hóa nguyên liệu nông sản đủ lớn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thì kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng.
 
Thực tế, các địa phương đã có những động thái khuyến khích trang trại phát triển bằng các biện pháp hỗ trợ nông hộ tích tụ ruộng đất, lãi suất vay vốn nhưng cái cốt yếu là liên kết để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trang trại lại chưa thực hiện được. Một khó khăn khác là đất hình thành của các trang trại thường từ nhiều nguồn, như tự có của gia đình, đi thuê đất 5% công ích của UBND xã quản lý, thuê của cá nhân, tổ chức khác; do vậy việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại gặp nhiều khó khăn.
 
Tại Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan địa chính khẩn trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để các chủ trang trại yên tâm đầu tư,  phát  triển sản xuất”. Tuy vậy, theo thống kê, số lượng các trang trại được cấp Giấy CNQSD đất chỉ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 20%). Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một công tác rất quan trọng, để các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất lớn, lâu dài. Ông Nguyễn Hữu Nhuần - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn, chia sẻ: “Huyện Nam Đàn có 625 trang trại và loại hình như trang trại, trong đó 33 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27.
 
Nhìn chung các loại hình trang trại trên địa bàn đều phát huy hiệu quả. Có những vùng đất sình lầy trước đây bỏ hoang, nay nông dân mạnh dạn làm trang trại nhỏ cũng có thu lời ít nhất từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Nhờ chuyển đổi ruộng đất, người dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng tổng đàn vật nuôi, làm tốt công tác phòng dịch nên ít xảy ra dịch bệnh, sản phẩm được thị trường chấp nhận”. Còn ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, cho rằng: Trước đây trang trại ở Quỳnh Lưu phát triển khá mạnh, song những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có xu hướng giảm, một phần do đầu ra bấp bênh.
 
Đối với nuôi tôm tuy có giá trị lớn nhưng quy mô nhỏ, chăn nuôi khó khăn bởi dịch bệnh và môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nên một bộ phận người chăn nuôi có tâm lý chán nản. Để kinh tế trang trại phát triển bền vững phải có hướng đi cụ thể, trong khi ở cấp huyện vai trò khâu nối tiêu thụ sản phẩm, huyện chưa vươn tới được.
 
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, để thúc đẩy khu vực kinh tế trang trại phát triển bền vững trong thời gian tới, cần làm rõ một loạt vấn đề về quan điểm và chính sách như: quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại tập trung; việc giao đất, thuê đất, chuyển nhượng, tích tụ đất để làm kinh tế trang trại; việc thuê mướn, sử dụng lao động; cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại để vay vốn, sử dụng để ký kết các hợp đồng giao thương…; thuế thu nhập của trang trại, cấp đăng ký kinh doanh cho chủ trang trại…Và để bảo đảm đầu ra ổn định cần liên kết hệ thống trang trại, thành lập hợp tác xã của các chủ trang trại, hiệp hội trang trại… liên doanh hoặc ký kết các hợp đồng cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm với nhà máy sản xuất thức ăn, phân bón, thuốc thú y; nhà máy chế biến nông sản hàng hóa, công ty tiêu thụ sản phẩm… 
 
 Quỳnh Lan
 Trên cơ sở tổng hợp của các địa phương, năm 2012, Nghệ An có tổng số vốn đầu tư chi trả công lao động, mua cây, con giống, thức ăn, thuốc thú y… của 420 trang trại khoảng 1.510 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định khoảng 151 tỷ đồng; Tổng giá trị hàng hóa khoảng 2.061 tỷ đồng, số lãi ước đạt 393 tỷ đồng. Năm 2014, toàn tỉnh có khoảng 500 trang trại đạt theo tiêu chí mới (Thông tư 27/2011), với tổng giá trị sản lượng hàng hóa xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Hệ thống trang trại đã giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho trên 1 vạn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh.