Sự việc hơn 100 phi công của Vietnam Airlines báo ốm hàng loạt và có nhiều đơn xin nghỉ việc, Vietnam Airlines đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không chấp thuận việc lôi kéo chuyển dịch lao động giữa các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2020; kiến nghị Cục Hàng không không cấp bằng, chứng chỉ với các phi công, kỹ sư máy bay của các hãng hàng không trong nước tự ý nghỉ việc chuyển nơi khác.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Liệu chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng có đúng Luật Lao động?
Trao đổi với PV, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest cho biết: Căn cứ quy định tại Điều 37 - Bộ Luật Lao động (BLLĐ): Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (không cần lý do), nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này (về lao động nữ mang thai).
Nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn trong một số trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 37 BLLĐ như: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ; không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong HĐLĐ; bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động…. nhưng phải báo trước ít nhất 30 ngày.
Trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật (tuân thủ quy định của Điều 37 Bộ luật Lao động) không phải bồi thường và không phải hoàn trả chi phí đào tạo (Điều 43 BLLĐ).
Căn cứ theo quy định của BLLĐ nêu trên, Luật sư Minh cho rằng, việc các phi công của Vietnam Airline đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc có thể được xét vào dạng đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Các lao động này có thể nghỉ việc nếu thấy môi trường làm việc không phù hợp, mức lương không thỏa đáng…
Còn việc Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tạm thời chưa chấp thuận đơn xin nghỉ việc của các nhân viên hàng không kỹ thuật cao có dáng dấp của “mệnh lệnh hành chính”, trong khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ là quyền của người lao động (quan hệ dân sự).
“Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ GTVT) nếu can thiệp vì lý do kinh tế (do việc nghỉ việc hàng loạt tác động trực tiếp đến việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia) sẽ là không phù hợp với nguyên tắc “tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp” đã được quy định tại BLLĐ”, Luật sư Minh cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo vị luật sư này thì “bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh và khai thác có hiệu quả tiềm năng về hàng không phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Trường hợp xét thấy việc nghỉ việc hàng loạt của nhân viên hàng không ảnh hưởng tới an toàn hàng không, an ninh hàng không, Cơ quan quản lý có thể áp dụng những biện pháp tạm thời (trong một thời hạn nhất định) để ngăn chặn là phù hợp với quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo Infonet