Mòn mỏi chờ tái định cư
Đi dọc các tuyến đường dưới chân núi Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh), không khó để bắt gặp những dãy nhà lụp xụp, thậm chí rách nát. Do vướng quy hoạch, hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở đây chẳng dám xây dựng nhà kiên cố, không những vậy cuộc sống của họ cũng vì thế mà gặp vô vàn khó khăn.
“Con cái kết hôn hơn 10 năm nay nhưng phải sống chung trong cái nhà chật chội. Muốn xây cái nhà kiên cố không được. Những ngày mưa bão cả xóm lại chạy tán loạn đi nơi khác để trú tránh. Cơ cực lắm”, bà Nguyễn Thị Hồng (62 tuổi, đường Ngô Thì Nhậm) lắc đầu ngao ngán.
Theo người dân, khu vực này nằm trong vùng quy hoạch Dự án Khu du lịch lâm viên núi Quyết từ gần 20 năm trước. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2008 UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Lâm viên núi Quyết. Theo quy hoạch được phê duyệt lúc đó thì để thực hiện dự án cần phải di dời 7 cơ quan, 5 khu tập thể và 300 hộ dân. Dự án Khu du lịch lâm viên núi Quyết có diện tích 147,70 ha, gồm các hạng mục như khu đón tiếp, tiểu công viên di tích chiến tranh; khu dịch vụ giải trí; khu sinh thái cảnh quan thiên nhiên; khu công viên văn hóa lịch sử; khu quy hoạch công trình Phật giáo; khôi phục di tích Hoàng thành Phượng Hoàng Trung Đô. Tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng với 100% vốn nhà đầu tư…
Thời gian thực hiện quy hoạch dự án là đến năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Trần Quảng Đại - Chủ tịch UBND phường Trung Đô, đến nay phường vẫn chưa thấy dự án có động tĩnh gì. Trong khi đó, hàng trăm người dân sống trong vùng quy hoạch thì rất bức xúc.
“Người dân bị vướng quy hoạch treo nên rất khó khăn. Việc tách bìa đỏ khi con cái ra ở riêng cũng không tách được. Khi làm bìa thì bìa của nhân dân đều bị gạch chéo, nên giá trị đất của họ không cao. Nhiều gia đình muốn cho con đi xuất khẩu lao động, đi cắm bìa đỏ cho ngân hàng nhưng cùng lắm cũng chỉ vay được 10 triệu đồng. Việc chuyển nhượng cũng rất khó. Người dân cũng không được xây dựng nhà cao tầng”, ông Đại nói.
Treo đến bao giờ?
Tại phường Vinh Tân, Dự án đường Lê Mao kéo dài được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005. Kể từ đó, hàng chục hộ dân ở khối Yên Phượng bị cấm xây dựng, cơi nới nhà cửa để thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay con đường đó vẫn còn đang nằm trên giấy.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù cách trung tâm TP. Vinh chưa đầy 1 km, nhưng ở đây như một xóm nghèo ở nông thôn với những rặng tre, căn nhà cũ nát… Một trong những hộ dân ở đây, bà Nguyễn Thị Khương cho biết, nhà bà xây dựng 30 năm trước, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, gia đình bà không dám xây dựng, cơi nới gì nữa vì năm nào cũng được hứa “năm sau sẽ di dời”. Căn nhà cũ kỹ này hiện là nơi ở của 7 người, gồm 3 thế hệ. Nhà cửa xuống cấp, dột nát, gia đình bà phải mua bạt về chăng trên mái ngói để chống dột. Do xung quanh khu vực này người ta cho san lấp để làm khu đô thị mới nên những hộ dân bị quy hoạch đường Lê Mao kéo dài bị vây lại thành vùng thấp trũng, mưa là ngập. Đợt lũ năm ngoái, nước ngập ngang ngực, cả gia đình bà phải chạy đi sơ tán.
Còn ông Võ Đình Vọng thì có đến 4 người con đã có gia đình, đất của ông rộng 1.582 m2, nhưng không thể chia cho các con làm nhà ở, mà phải đi thuê trọ. Ông Vọng kể rằng, chính quyền đã 3 lần kiểm đếm tài sản để bồi thường, nhưng đến nay, vẫn chưa được bồi thường để đi. Quá bức xúc, ông Vọng và các hộ dân ở đây nhiều lần gửi đơn kiến nghị, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời chính xác bao giờ mới được bố trí tái định cư.
Cũng trên địa bàn phường Vinh Tân, nhiều hộ dân ở khối Phúc Vinh cũng phải khổ sổ vì nằm trong dự án treo suốt 15 năm nay. Theo người dân, năm 2005, TP Vinh quy hoạch khu đất này để xây dựng trụ sở phường mới tách ra từ phường Vinh Tân. Tuy nhiên, đến nay dự định tách phường bị bãi bỏ, nhưng những hộ dân bị treo vẫn chưa được “giải thoát”. “Chúng tôi có 600 m2 đất ở, trong khi 3 người con đã có gia đình và hiện đang phải sống chung trong căn nhà cấp 4 chỉ có 50 m2. Chúng tôi không thể chia đất làm nhà cho con, cũng không thể sang nhượng để lấy tiền đi mua chỗ khác được”, một người dân nằm trong dự án treo này nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết, quy hoạch treo ở 2 khu vực nói trên không chỉ người dân khổ sở mà chính quyền phường cũng khổ lây. "Dân kêu ca rất nhiều, mưa lụt, cán bộ phường cũng lo ngay ngáy vì khu vực này quá thấp trũng. Đợt lũ năm ngoái, chúng tôi phải lội bộ vào những hộ dân này để hỗ trợ họ di chuyển đồ đạc, thuyền ghe không vào được vì vướng cây cối. Nói thật lòng, chúng tôi rất mong thành phố sớm di dời dân để họ đỡ khổ”, vị lãnh đạo phường này nói thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đoạn đường Lê Mao kéo dài này có chiều dài 384m, có 29 hộ dân phải di dời, diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 18.000 m2. Năm 2010, UBND TP.Vinh dự kiến bố trí khu tái định cư tại phường Trung Đô, nhưng người dân thấy không phù hợp nên không đồng ý. Sau đó, do chưa tìm được nơi tái định cư khác nên dự án bị tắc lại.
Trong buổi đối thoại với người dân mới đây, người dân đã đồng ý vị trí tái định cư ở phường Vinh Tân, gần khu ở cũ của người dân. Lãnh đạo TP. Vinh đã chỉ đạo các phòng chức năng sớm lập dự án, làm hạ tầng để người dân di dời. Riêng 10 hộ dân ở khối Phúc Vinh bị vướng quy hoạch trụ sở phường, UBND TP. Vinh đã thống nhất trình UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh quy hoạch trụ sở phường, chuyển thành khu tái định cư tại chỗ cho các hộ dân này và một số hộ dân bị quy hoạch ở dự án khác.