Từ sáng sớm, ông Phạm Hồng Thùy ở xóm 1, xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn lại kiểm tra từng tổ ong do mình chăm nuôi. Tổ ong phải được thường xuyên Theo dõi, chăm sóc đúng kỹ thuật,từ việc quan sát hướng di chuyển của đàn ong, rồi việc tách cầu ong, tách đàn nếu ong “đông quân”, đến việc quay lấy mật đúng ngày. Năm nay hoa nở nhiều nên có những cầu ong đã đóng kín mật dù 6 ngày trước đó đã được quay lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật tuy bận rộn, nhưng bù lại cho thu nhập khá. Ông Thùy là thương binh bị nhiễm chất độc da cam, về hưu ông bắt đầu nuôi ong. Đến nay ông đã thành thạo nghề. Hiện nay ông nuôi trên 100 đàn ong, mỗi năm ông xuất bán được 500 kg mật ong, mỗi kg mật giá 150 ngàn đồng, chưa kể việc bán ong giống thu hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, để có được chất lượng mật ong tốt, nghề nuôi ong cần phải chịu khó, người nuôi ong phải di chuyển đàn ong đến những vùng có nhiều hoa để ong hút mật.
Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương là người nuôi ong di cư cho biết: “Sau khi đi bộ đội về, tôi bắt đầu nuôi ong, do địa bàn xã Đặng Sơn - Đô Lương đất chật, người đông nên tôi phải thường xuyên đưa đàn ong tới các xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Giang Sơn Đông... để nuôi, bởi ở đây có nhiều hoa”.
Việc nuôi ong phải bám vào mùa hoa nở, vậy nên mật ong cũng có nhiều loại như: mật ong hoa vải, hoa nhãn, bạch đàn, hoa cỏ, bầu bí… Dịp tháng 3 và đầu tháng 4/2021 này, hoa nhãn, hoa vải nở chi chít kín cả vòm cây nên ong tha hồ hút mật thỏa thích. Nhờ vậy bình quân mỗi đàn ong một lần quay lấy mật được 1 lít.
Khi thao tác tại tổ ong, để không bị ong đốt, người nuôi ong trang bị một số dụng cụ riêng như chiếc mũ có lưới trùm từ vành mũ trở xuống để che kín vùng mặt và cổ, rồi bình xịt khói, khi xịt khói bay ra, ong sẽ không đốt vào người.
Theo ông Nguyễn Văn Dung ở xã Đặng Sơn - một trong những "cao thủ" nuôi ong, thì việc nuôi ong phải nắm chắc kỹ thuật, khâu tạo ong chúa là khó nhất. “Nghề nuôi ong cần phải học thực tế, cầm tay chỉ việc như học nghề lái xe…!”, ông Dung vui vẻ nói.
Còn về khâu tạo ong chúa, là khâu rất công phu của người nuôi ong. Người nuôi ong dùng kim di trùng bằng nhôm hoặc lông ngỗng vót nhỏ đưa vào phía lưng của ấu trùng, cố gắng lấy cả sữa chúa để ấu trùng không bị tổn thương. Sau đó đặt nhẹ kim di trùng vào giọt mật, ấu trùng sẽ nổi lên, nhẹ nhàng rút kim ra và tiếp tục múc ấu trùng khác.
Chọn ấu trùng 1 ngày tuổi để tạo ong chúa là tốt nhất, nếu cầu mới xây phải cẩn thận khi di trùng vì đầu kim di trùng dễ đâm thủng đáy của lỗ tổ. Nếu bánh tổ quá cũ, lỗ tổ sẽ hẹp rất khó múc ấu trùng. Khi di trùng cần tiến hành nhanh và ở nơi kín gió, vào lúc thời tiết ấm áp, tránh ánh nắng chiếu vào sẽ làm khô ấu trùng khi thao tác. Di trùng xong, xoay các chén sáp xuống phía dưới và đặt vào giữa đàn nuôi dưỡng đã chuẩn bị sẵn.
Trước khi di trùng 24 - 48 giờ, bắt ong chúa ra khỏi đàn nuôi dưỡng, rũ bớt cầu cho ong bám vào các cầu còn lại, đồng thời trước khi di trùng 2 - 3 giờ, dãn 2 cầu giữa đàn ra khoảng 3cm tạo thành khe để ong non tập trung đến khu vực đó nhiều, chúng sẽ nhanh chóng tiếp nhận và nuôi dưỡng ấu trùng.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có đến hàng ngàn người nuôi ong lấy mật, riêng trên địa bàn huyện Đô Lương có đến trên 600 hộ nuôi ong. Nhờ nuôi ong giỏi nên một số hộ đã trở thành “bậc thầy” trong nghề nuôi ong, chuyên cung cấp ong chúa, cầu ong, thùng ong… cho những người mới nuôi ong một vài năm.
Cần mẫn và đam mê, đó là hai yếu tố mà người làm nghề nuôi ong luôn có. Niềm vui của người nuôi ong không gì hơn khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng dày đặc kín. Niềm vui của người nuôi ong là những dòng mật vàng óng đặc sánh sau mỗi lần quay mật…
Nghề nuôi ong mật đã mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình ở Nghệ An, đồng thời tạo nên sản phẩm sạch, thơm ngon, bổ dưỡng xuất bán ra thị trường.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Đô Lương. Clip: Ngọc Phương |