bna_1844016_8102018.jpgNằm trong quần thể núi Gám - sông Dinh, chùa Chí Linh hay còn gọi chùa Gám ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành là một trong những công trình mang tính nghệ thuật cao. Chùa được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái Trúc Lâm - một dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập; nay được trùng tu, mở rộng không gian với tổng thể kiến trúc uy nghi, bề thế. Ảnh: Huy Thư
 
Việc khôi phục Lễ hội đền - chùa Gám được tổ chức hàng năm đã tạo nên một nét đẹp văn hóa riêng trên quê lúa Yên Thành. Ảnh: Huy Thư
Chùa Thiên Tạo nằm trong lèn Vũ Kỳ ở xã Phúc Thành, huyện Yên Thành là một ngôi chùa cổ độc đáo. Lèn Vũ Kỳ thực chất là một quần thể núi đá vôi tuyệt đẹp thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã Đồng Thành và Phúc Thành. Ảnh: Huy Thư
Không gian chùa Thiên Tạo nằm trọn trong một cái hang lớn với nhiều ngách, hốc đá tự nhiên. Tương truyền chùa có từ hàng trăm năm trước, cùng với lèn Vũ Kỳ là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Yên Thành. Ảnh: Huy Thư
Chùa Cổ Am ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu khởi dựng từ thời hậu Lê, đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1994. Trong những năm qua, chùa được tôn tạo khang trang, trở thành một quần thể danh thắng với nhiều kiến trúc độc đáo. Ảnh: Huy Thư
Chùa Cổ Am để lại ấn tượng trong lòng phật tử và du khách thập phương ngoài phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, vườn tượng la hán uy nghiêm, Đại Hùng bảo điện sừng sững, còn có tượng Quan âm trên núi lớn nhất Nghệ An với 3 khuôn mặt hướng về 3 phía. Ảnh: Huy Thư
Chùa Viên Quang ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn là ngôi chùa cổ có từ thời nhà Lê. Năm 2012, chùa được tôn tạo lại khang trang nhưng vẫn lưu giữ được những nét cổ, trang nghiêm và thanh tịnh. Ảnh: Huy Thư
Chùa Viên Quang gắn liền với nhiều hoạt động tu tập, giảng pháp cùng những ngày đại lễ cầu Quốc thái dân an, đại lễ Phật đản, Vu lan… thu hút hàng vạn người tham gia. Những năm qua, khởi xướng từ chùa Viên Quang, môn phái võ cổ truyền Phật Quang quyền đang ngày càng lan tỏa trong giới trẻ. Viên Quang tự đã góp phần không nhỏ tạo nên vẻ đẹp yên bình của một vùng quê, hướng người dân đến những giá trị nhân văn cao đẹp của Phật giáo. Ảnh: Huy Thư
Chùa Đại Tuệ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn (với ngôi chùa gốc được xây dựng từ thế kỷ XIV thờ Phật bà Đại Tuệ) tọa lạc trên núi Đại Huệ ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển, trong một không gian non nước hữu tình, nay đang là một trong những chốn hành hương, danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ. Ảnh: Tư liệu
Chùa Đại Tuệ sau khi được tôn tạo, xây dựng mới đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. Ảnh: Huy Thư
Chùa Đức Sơn ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn xây dựng từ thời Trần trên vùng đất cổ Vạn An được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ nhất Nghệ An. Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2001 là di tích tiêu biểu trong cụm di tích Bắc Sơn, một điểm tham quan, chiêm ngưỡng hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Huy Thư
Chùa Đức Sơn hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ quý hiếm: gần 40 pho tượng tạo thành một hệ thống tượng pháp phong phú, độc đáo, 210 bản khắc mộc cổ. Trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, những ngôi chùa cổ vẫn gắn liền với đời sống tinh thần của nhân dân ta và để lại những dấu ấn đậm nét về văn hóa Phật giáo trên đất Nghệ An. Ảnh: Huy Thư