Đền - chùa Gám là một quần thể cổ kính, linh thiêng, có kiến trúc đẹp, độc đáo, với những nét chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, cùng khát vọng và lòng tôn kính của người xưa đối với công đức của các vị thần, của đức Phật và các bậc tiền nhân.
Đền Gám được xây dựng từ thời nhà Trần để thờ các vị thần có công bảo quốc hộ dân như Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Uy minh vương Lý Nhật Quang, Tứ vị thánh nương và Lý Thiên Cương. Chùa Gám là công trình kiến trúc tôn giáo, được nhân dân xây dựng để thờ Phật Thích ca mâu ni và các chư vị Bồ Tát.
Với những giá trị văn hóa lịch sử to lớn, cụm di tích đền – chùa Gám đã từng được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2007.
Lễ hội Đền – chùa Gám năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 29/3 đến hết ngày 31/3 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng Hai năm Mậu Tuất) với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, đập niêu, cờ người...) thi đấu thể thao, biểu diễn tuồng, chèo cổ... Lễ rước thần từ đền - chùa Gám lên đền Rú Gám và trở về với sự tham gia của hàng nghìn du khách là điểm nhấn quan trọng của lễ hội.
Lễ hội Đền - Chùa Gám được tổ chức hàng năm nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa dân tộc, là dịp để thể hiện niềm tin và lòng tôn kính của nhân dân đối với công đức của các vị thần, của đức Phật và các bậc tiền nhân, đồng thời giới thiệu hình ảnh quê lúa Yên Thành.