Năm 1968, tôi- một trong số những người được Nhà nước cử đi Liên Xô học tập, chuẩn bị cán bộ nguồn cho ngày chiến tranh kết thúc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi ra đi trong hoàn cảnh miền Bắc, đặc biệt là ở Nghệ An, Thanh Hoá đang có chiến tranh vô cùng ác liệt, ác liệt đến mức, tôi đang ở Thanh Hoá (miền núi) mà không thể về quê Nghệ An để tạm biệt mẹ già, bà con anh em làng xóm trước lúc ra đi.
Sang Mát-xcơ-va, tôi được phân công về học ở Trường Đại học Tổng hợp Lê-nin-gờ-rát, (nay gọi là ĐHTH Xanh pê-téc-bua). Xanh-pê-téc-bua một thành phố nổi tiếng thế giới về tất cả mọi mặt: lịch sử, khoa học, văn học nghệ thuật, kiến trúc nhưng cũng là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt. Bản thân tôi cũng đã có nhiều ngày phải chịu đựng cái rét âm 32 độ C. Có thể nói rằng đối với người nước ngoài, ai không có sức khoẻ tốt và đức kiên trì, chịu khó, chịu khổ thì khó có thể sống được nhiều ngày ở Xanh-pê-téc-bua. Trong bài viết này, tôi không thể kể hết những điều tai nghe mắt thấy về sự hy sinh to lớn của người dân Xanh-pê-téc-bua trong chiến tranh thế giới thứ hai chống phát xít Đức...
Xa nhà, học hành căng thẳng, đất nước quê hương đang có chiến tranh, sinh hoạt phải rất tiết kiệm, vì hồi đó học bổng của lưu học sinh Việt Nam rất thấp... Những khó khăn đó chúng tôi phải đối mặt hàng ngày, có lúc rất căng thẳng. Nhưng bù lại chúng tôi được hưởng những tình cảm vô cùng trìu mến của những người thầy, người mẹ, bạn bè Xô- Viết. Hầu như ngày nào ra đường chúng tôi cũng bắt gặp những câu hỏi: "át-cu đa", (từ đâu đến?) Từ Việt Nam. Chúng tôi trả lời. Thế là có người ôm chầm lấy:
-Việt Nam, ở đó đang có "vay na" (chiến tranh). Ở đó có Hồ Chí Minh - Lê nin của Việt Nam...
Bà Maria, một mẹ già đã sống qua thời kỳ chiến tranh đã về hưu nhận làm lao công làm vệ sinh cho ký túc xá nơi tôi ở, khi biết tôi là lưu học sinh Việt Nam, cứ vài ngày khi thì quả táo, khi thì hộp mứt hoa quả và vài cái bánh mỳ mang đến ấn vào tay tôi bảo:
-Ăn đi, ăn đi cho khoẻ mà học. Quả thật, tôi thấy bà chẳng khác bà nội tôi lúc còn sống.
Bác sĩ I-va-nôp-vơ-na, người điều trị cho tôi khi chân tôi bị nhiễm trùng do lần đầu tiên đi giày da, tỏ ra rất đau đớn bảo: Trời lạnh thế này, chân không đi được tất, không đi được giày thì làm sao con sống nổi...
Một khó khăn lớn với chúng tôi nữa là chưa được chuẩn bị nhiều về tiếng Nga, nhất là nghe và nói. Cũng vì vậy mà chúng tôi có một thời gian ngắn được học tiếng Nga theo chế độ "đặc cách". Một cô giáo chỉ một, hai trò, giờ học thường diễn ra vào đầu buổi tối. Gọi là giờ học nhưng chỉ là những cuộc hội thoại giữa cô trò với nhau về những câu chuyện thường diễn ra trong bữa ăn tối của một gia đình. Giờ học như vậy vừa đạt hiệu quả rất tốt về phát triển khẩu ngữ, vừa giúp chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà.
Biết mình đang có những hạn chế về nghe và nói tiếng Nga (và cả chuyên môn), tuy ở Việt Nam tôi đã là thầy giáo, nhưng tôi đã tìm đến lớp học của thầy Man-lư-sép để nghe thầy giảng bài cho sinh viên. Nghe xong giờ giảng đầu tiên, tôi mạnh dạn đến xin gặp thầy trình bày:
-Tôi lưu học sinh Việt Nam mới sang, tiếng Nga tôi đọc được nhưng nghe trên lớp thì chưa tốt, tôi xin thầy cho tôi mượn bài giảng của thầy về chép lại, hôm sau tôi xin trả lại thầy một cách nghiêm túc.
Một điều bất ngờ đối với tôi là hôm sau thầy mời tôi đến phòng làm việc và gọi cô thư ký đến giao:
- Dy, nó là lưu học sinh Việt Nam mới đến, tiếng Nga nó đọc tốt, nhưng nghe chưa tốt, hàng tuần cô chuẩn bị cho nó bài giảng của tôi để nó đọc, nó gặp khó khăn gì cô trao đổi lại với tôi.
Từ đó tôi được sự chăm sóc khá ân cần của cả thầy và cô vợ thầyMa-lư-sép-va, nhất là về mặt tài liệu. Cho đến khi về nước, đã 5, 6 năm dù trong hoàn cảnh còn chiến tranh, tôi vẫn nhận được đều đặn thư từ, tài liệu của thầy gửi, một số khá lớn tài liệu tôi đã nhập vào thư viện trường Đại học sư phạm Vinh, một phần trao lại cho học trò. Nhiều học trò của tôi đã trưởng thành từ nguồn tài liệu ban đầu đó....
Những ngày này, khi báo, đài truyền hình đưa tin về nước Nga, về Cách mạng Tháng Mười, quanh mâm cơm gia đình tôi lại kể với nhau về những bức thư của thầy và cô Man-lư-sép gửi cho gia đình.
Hôm nay, bà Ma-ri-a, bác sĩ I-va-nốp-vơ-na, thầy, cô Ma-lư-sép và một số người nữa không còn nữa. Bằng bài viết nhỏ này, tôi xin được gửi đến các bà, các mẹ (cả những người đã khuất) của quê hương Cách mạng Tháng Mười nỗi nhớ nhung tha thiết và lòng biết ơn cho tất cả những gì mà tôi đã làm được nhờ có những năm tháng được học tập bên đó.