761789_small_40752.jpgDêm Matxcơva nhìn từ khách sạn Ucraina. Ảnh: Vũ Huyến
Người mang chúng tôi đến nước Nga đầu tiên chính là... cô giáo dạy Nga văn thời học sinh trung học. Bây giờ nhớ lại, lũ chúng tôi học hành giữa thời đất nước khó khăn, trăm ngàn thiếu thốn, cô giáo Nga văn vừa mới ra trường, trẻ trung xinh đẹp là vậy nhưng sau mỗi buổi lên lớp lại về bóc lạc thuê cho hợp tác xã lấy tiền phụ giúp gia đình... Những ngón tay của cô nhựa lạc dính đầy. Và những ngón tay ấy cầm phấn viết lên bảng bài học tiếng Nga đầu tiên của chúng tôi: "U- rốc Pe-rờ-vưi". Chúng tôi bập bẹ những tiếng Nga đầu tiên: "Ê - tơ Vô va, Ê - tơ Ma sa".


Một chân trời mới với những cánh đồng thảo nguyên mênh mông bao la hoa đinh tử hương ngào ngạt, những cánh rừng bạch dương Nga mùa đông tuyết trắng trầm tĩnh và những buổi chiều ngoại ô Mátxcơva như hiển hiện trước mắt lũ học trò chúng tôi. Cô giáo kể chuyện mùa đông nước Nga lạnh lắm, nhiệt độ nhiều lúc đến âm dưới không, người ta phải dùng keo bịt kín những khe cửa sổ ngăn gió, trong mỗi ngôi nhà người Nga đều có lò sưởi... Mùa đông! Chúng tôi ngồi trong lớp học quê nghèo Việt Nam vách đất trống hoác gió mùa đông bắc lùa lạnh căm. Mảnh áo sợi bông mỏng manh, đôi môi chúng tôi tím đi vì lạnh, hát theo lời cô giáo những bài hát Nga: "Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ. Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ... Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta, trời cao muôn vì sao chói loà. Dù sương gió tuyết rơi...". Cô giáo đứng trên bục giảng bắt nhịp cho chúng tôi hát thật mê say bài hát Nga, bài hát của một đất nước vĩ đại, đất nước của Lê-nin... Tình yêu của chúng tôi với nước Nga được nhen lên từ ấy. Rồi sau đó, chúng tôi được cô giáo tập thêm nhiều, rất nhiều bài hát nữa, như "Chiều Mátxcơva", "Cây thuỳ dương", "Vôn - ga xinh đẹp" vv...

Lần chia tay cô giáo lên đường ra Hà Nội để sang Liên Xô, chúng tôi hát bài "Tạm biệt Mátxcơva", bài hát của những Hồng quân Xô viết thời chiến tranh vệ quốc. Những chàng trai trẻ ra đi vì Tổ quốc đã hát tạm biệt thủ đô Mátxcơva mến yêu của họ trước giờ lên đường ra mặt trận, mà thật lạ kỳ lại đúng vào tâm trạng của lớp chúng tôi hôm ấy: "Thật lặng yên và thiêng liêng trong giờ phút chia tay, quá trôi nhanh những phút giây tuyệt vời. Ôi Ma-Sa! Xin tạm biệt người bạn hiền yêu thương. Hãy trở về với khu rừng rất diệu kỳ...

Rồi chúng tôi cũng dần lớn lên, tôi vào bộ đội. Anh em đồng đội trong đơn vị đã truyền cho tôi những bài hát tiếng Nga mới mà ngày trước cô giáo Nga văn chưa kịp dạy: "Ka-chiu-sa", "Xi-bê-ri nở hoa", "Trăng ơi, đừng sáng", nhưng tuyệt vời nhất là bài hát "Triệu đoá hoa hồng", "Khi yêu ai nỡ hững hờ" tôi đã được chính cô bí thư chi đoàn kết nghĩa với đơn vị chép tặng vào "Sổ tay ca hát". Chúng tôi, những chàng tân binh trẻ trung và yêu đời, khẩu súng AK - 47 sản xuất từ nước Nga mến yêu trên tay xanh bóng nước thép. Báng súng làm bằng gỗ sồi đã đến đây từ một cánh rừng Nga nào đó chăng? Những đêm sinh nhật đồng đội, chúng tôi quây quần bên nhau hát những khúc quân hành, và cả những khúc tình ca Nga: "Đêm dài qua, dưới mưa rơi em mong chờ anh tới, cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời. Mình em riêng thắm thiết yêu anh, giữa tình đôi lứa ta, một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...". Chúng tôi hát khi ngồi trên thùng xe quân sự Krag to lềnh khềnh hành quân qua những miền quê Việt Nam yêu dấu. Hát mê say, mặc gió bụi, mặc nắng cháy, tiếng ghi ta đệm bập bùng, vậy mà lạ kỳ thay trào dâng trong trái tim chúng tôi tình yêu không bờ với đất nước Nga xa xăm dù chưa một lần bước chân đến...


Trần Hoài - (Báo Quân khu Bốn)