761792_small_40761.jpg
1. Có một thực tế cần nhắc đến là sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, hệ thống XHCN trên thế giới bước vào một khúc quanh lịch sử trong chặng đường dài phát triển. Ở nước Nga, có không ít các nhân vật cơ hội đòi xoá bỏ con đường của Cách mạng Tháng Mười, đòi đưa thi hài Lênin ra khỏi Quảng trường Đỏ, gay gắt nhất trong các năm từ 2001-2003. Đến 10/2005, G.Poltavchenko cố vấn cao cấp của Tổng thống Putin gây sóng gió khi đề cập lại vấn đề hệ trọng này. Rồi gần đây, V.Lavrop, Phó giám đốc Viện Lịch sử Nga lại đề nghị trao thi hài Lênin, Stalin cho gia đình hoặc Đảng Cộng sản... Nhưng lịch sử luôn luôn có tiếng nói của mình. Cách mạng Tháng Mười, Lênin vĩ đại và lịch sử hơn 70 năm của đất nước Xô viết luôn tồn tại trong ý nghĩa lịch sử bất diệt của nó.

Hãy nghe và nhắc lại những tiếng nói từ lương tri, từ tình cảm, từ chính người Nga hôm nay. Tổng thống Putin là người phản ứng mạnh mẽ việc đưa thi hài Lênin ra khỏi lăng từ ý tưởng của vị cố vấn cao cấp của mình. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Putin đã nói một câu rất nổi tiếng: "Ai không tiếc vì sự đổ vỡ của Liên bang Xô viết, người ấy không có trái tim, còn ai muốn tái lập nó giống y như cũ, người đó không có khối óc" để biểu thị lòng chung thuỷ tỉnh táo và hợp lý đối với đất nước Xô viết từng nuôi ông và nhiều người khác khôn lớn. Khi được hỏi vì sao ông ủng hộ việc sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản Quốc ca mới của LB Nga, ông trả lời: "Nếu chúng ta xoá bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10/1917, thì có nghĩa chúng ta đã công nhận rằng, cha ông ta đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý. Bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý thế được". Mới đây nhất, trên tờ Báo Nga ngày 31/10/2007, ông X.Mirônov, Chủ tịch Thượng viện Nga viết: Đại thi hào Nga Puskin trong thư gửi Chadayep (một nhà tư tưởng và chính luận Nga) từng viết: dẫu trong đời sống nước Nga có nhiều vấn đề làm nhà thơ đau buồn, thậm chí bị xúc phạm, nhưng không vì bất kỳ điều gì trên thế giới này mà nhà thơ "muốn thay đổi Tổ quốc, hay muốn có những trang sử khác với lịch sử của tổ tiên". Nên chăng, chúng ta cần có một thái độ như vậy đối với Cách mạng Tháng Mười 1917 và toàn bộ thời kỳ Xô viết sau đó. X.Mironop đặt câu hỏi để cùng mọi người suy nghĩ: "Hoà bình cho các dân tộc", "Ruộng đất cho nông dân", "Bánh mỳ cho người đói", "Tự do cho người nô lệ"... Ai có thể nói tự thân những câu khẩu hiệu phản ánh nhu cầu của đại đa số quần chúng này lại không đúng và thấu đạo lý? Không thể không nói thêm: Người Nga hôm nay vẫn luôn bày tỏ, vẫn tin vào CNXH, họ đồng loạt ký vào lời kêu gọi giữ thi hài Lênin trong Quảng trường Đỏ, để

chiến hạm Rạng Đông tiếp tục neo đậu trên sông Neva, để những ngôi sao đỏ vẫn sáng trên những ngọn tháp Điện Cremli, biểu tượng Búa liềm còn mãi trên ngọn cờ Chiến thắng...

2. Có một thực tế sinh động ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Lào... khi ánh sáng Cách mạng Tháng Mười vẫn soi sáng các dân tộc này trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các Đảng Cộng sản tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến hành công cuộc đổi mới đầy sức sống và hy vọng. Những kinh nghiệm không thành công trong xây dựng CNXH ở Liên Xô và Đông Âu được nghiên cứu tổng kết kịp thời. Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn của chính mình, các nước nói trên đang tích cực tìm tòi mô hình lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH, trước hết trong việc sử dụng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở vật chất của CNXH... Không những thế, hiện nay, ở Mỹ La tinh, CNXH đang trở thành niềm tin công khai của đông đảo nhân dân các dân tộc trên con đường xây dựng xã hội mới. Làn sóng cánh tả, các lãnh tụ cánh tả, cách mạng, công nhân được nhân dân ủng hộ đã lên nắm quyền ở một loạt các nước được coi là "sân sau của Mỹ". Tổng thống Venezuela H.Chavet khẳng định tính chất XHCN của cuộc cách mạng, đưa đất nước đi lên CNXH của thế kỷ 21. Tổng thống các nước Bolivia, Ecuado, Nicaragoa đều tuyên bố kiên định với sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước mình. Ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười, kỳ diệu t hay, không chỉ ở Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Lào... mà đang tung bay rực rỡ trong không khí cách mạng ở Tây bán cầu.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam luôn biết ơn Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, biểu tượng sáng ngời về khát vọng và sức mạnh của CNXH. 2 bài học lớn nhất của Cách mạng Tháng Mười là bài học về sức mạnh của quần chúng cách mạng và bài học về đảng cách mạng chân chính được Đảng, Bác Hồ vận dụng triệt để trong quá trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, tạo nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong hơn 20 năm qua.

Và có một thực tế bất di bất dịch, rằng: những bài học lớn, bổ ích từ Cách mạng Tháng Mười vẫn luôn luôn có giá trị trong thực tiễn đổi mới và xây dựng CNXH ở Việt Nam.


Nam Sơn