(Baonghean) - Năm 2016, Nghệ An có 34 xã đăng ký về đích NTM, hiện đã hết nửa chặng đường của nhưng nhiều xã vẫn đang gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu đề ra.
Những “khoảng trống” chưa thể lấp
Huyện Đô Lương có 2 xã ký cam kết với tỉnh về đích NTM trong năm 2016 là Trung Sơn và Xuân Sơn, ngoài ra còn có 6 xã ký cam kết với huyện về đích NTM trong năm nay, gồm: Tràng Sơn, Bồi Sơn, Lạc Sơn, Đà Sơn, Đặng Sơn và Lưu Sơn. Theo đánh giá của huyện Đô Lương, đến thời điểm này, xã Trung Sơn gặp khó khăn nhất trong thời gian ít ỏi còn lại của năm nay.
Anh Đoàn Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn băn khoăn: Đến thời điểm này, Trung Sơn mới đạt 12 tiêu chí xây dựng NTM. Còn 7 tiêu chí chưa đạt, gồm: Trường học; điện lưới; thiết chế văn hóa; làng văn hóa; đường giao thông nông thôn; môi trường và chợ.
Theo anh Đoàn Văn Kiên, những tiêu chí như, thiết chế nhà văn hóa xóm, giao thông nội thôn, làng văn hóa, môi trường là chủ yếu do người dân đồng thuận để thực hiện; phần còn lại, những công trình xây dựng trường mầm non, đường giao thông liên thôn, nhà văn hóa xã đa chức năng là chờ dự án. Trong đó, lo nhất là dự án xây trường học mầm non trên 15 tỷ đồng, đến nay nhà thầu chưa động thổ, vì chưa có kinh phí.
Hiện nay, đơn vị thi công đang tiếp tục thực hiện dự án làm đường bê tông trên 5 tuyến đường liên thôn, trong đó sử dụng có 300 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ, còn lại là vốn của dự án NTM, do doanh nghiệp tự xoay xở. Đối với thiết chế nhà văn hóa xóm, đến nay mới có 4/8 xóm đã xây xong nhà văn hóa theo tiêu chí NTM, số xóm còn lại chưa triển khai vì người dân chưa đóng góp tiền. Chủ trương của xã hỗ trợ mỗi xóm 50 triệu đồng để xây nhà văn hóa xóm. Ngay cả tiêu chí làng văn hóa cũng đang khó khăn, hiện mới có 2 xóm đạt làng văn hóa từ nhiều năm trước, như vậy phải có 4 xóm đạt làng văn hóa nữa mới hoàn thành tiêu chí...
Ông Nguyễn Hữu Vinh - Xóm trưởng xóm 4, cho biết: Người dân trong xóm đã đóng góp khá nhiều tiền để làm đường, dồn điền đổi thửa trong thời gian qua, nên bây giờ họp dân để bàn đóng góp tiền xây nhà văn hóa xóm cũng khó. Tuy nhiên, qua rất nhiều cuộc họp từ chi bộ, các đoàn thể, xóm đã đi đến thống nhất mỗi hộ đảng viên đóng góp 2 triệu đồng; còn lại 1,7 triệu đồng/hộ. Để bớt gánh nặng cho các hộ, xóm triển khai thu nhiều đợt. Nhà Văn hóa xóm 4, dự kiến kinh phí xây dựng hết khoảng 266 triệu đồng, xã sẽ hỗ trợ một phần kinh phí.
Năm 2016, huyện Tân Kỳ chỉ có 1 xã đăng ký về đích NTM, đó là Nghĩa Thái nhưng địa phương này đang gặp không ít khó khăn. Ông Phan Kim Vân - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái, cho biết: Là xã thuần nông, ngành nghề kém phát triển, vì vậy việc huy động sức dân xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Năm nay xã được tỉnh hỗ trợ xi măng để đổ bê tông 6 km đường nông thôn, nhưng thực chất, xã phải huy động người dân mua thêm xi măng, vì chiều dài đường nông thôn của xã chưa được đổ bê tông còn quá nhiều. Toàn xã có 15,7 km đường liên xã, 30,4 km đường liên thôn xóm.
Đối với đường liên thôn, Nghĩa Thái năm nay đã nhận được 442 tấn xi măng, đã đổ bê tông được hơn 2 km mặt đường, nâng tổng số chiều dài đường được đổ bê tông lên 10 km. Như vậy, Nghĩa Thái vẫn còn hơn 20 km đường liên thôn chưa được đổ bê tông. Theo ông Phan Kim Vân, giải pháp để xã nâng chiều dài đường liên thôn được đổ bê tông là huy động sự đóng góp của người dân.
Là địa phương thuần nông, thu nhập của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp là chính, bên cạnh đó, thời gian qua, xã đã thực hiện nhiều tiêu chí, người dân phải đóng góp tiền, như đang triển khai xây dựng một số phòng học, nhà hiệu bộ của trường THCS, hơn 2 tỷ đồng, một phần kinh phí lấy từ ngân sách xã, một phần nhân dân đóng góp. Nếu huy động tiếp để xây dựng cơ sở vật chất, sợ rằng quá sức.
Tiêu chí khó thực hiện nhất: Giao thông
Qua thực tế cho thấy, chính những tiêu chí khó thực hiện nhất lại làm thay đổi diện mạo nông thôn. Nhìn lại quá trình xây dựng NTM các xã đã và đang thực hiện, đường giao thông được mở rộng, bê tông hóa khang trang, không chỉ tạo diện mạo mới cho nông thôn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển. Đồng ruộng được chỉnh trang, quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất tập trung hiệu quả, ngoài ra còn góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa, sân vận động, trường học, trạm y tế... được xây mới, tu sửa với đầy đủ trang thiết bị, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
Có thể thấy, chặng đường còn lại của các xã đăng ký về đích NTM trong năm nay vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết liệt, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, tin rằng, các xã sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Văn phòng Chỉ đạo NTM tỉnh cho biết: Nhìn chung, các địa phương đang bế tắc ở một số tiêu chí: Môi trường, văn hóa, thu nhập, hộ nghèo, cơ sở hạ tầng. Nguyên nhân, do các địa phương không có nguồn kinh phí, hoặc không có quỹ đất. Trong khi đó, cơ chế trích phần trăm trong bán đấu giá đất ở chỉ có 30% nên các xã không muốn bán đất ở. Ngoài khó khăn về vốn thì yếu tố xây dựng cánh đồng mẫu gặp khó khăn, vì khâu tiêu thụ sản phẩm bấp bênh.
Năm 2016 toàn tỉnh có 34 xã đăng ký về đích NTM nhưng đến nay chỉ có 1 xã hoàn thành. Hiện nay, tiêu chí giao thông là khó khăn nhất đối với các địa phương, vì cần có nguồn vốn lớn. Đến tháng 6/2016, toàn tỉnh đã có 137/431 xã đạt tiêu chí số 2 giao thông (đạt 31,7%).
Theo số liệu của Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, đến nay, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đã đạt 12,4 tiêu chí/xã, tăng 8,76 tiêu chí/xã so với năm 2010. Toàn tỉnh đã có 114 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó 112 xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận), đạt 26,4%; có 51 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí (chiếm 11,8%); 116 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí (chiếm 26,9%); 141 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (chiếm 33,2%); 7 xã dưới 5 tiêu chí (chiếm 1,7%). |
Xuân Hoàng