(Baonghean.vn) - Nam Đàn là huyện có diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn với 7.448,3 ha. Cùng với phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ dân ở các xã có rừng đã phát triển phong trào nuôi ong lấy mật.
Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật đã hơn 5 năm, Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ trại ong tại xóm Khe Hương, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, chia sẻ: Khởi nghiệp gia đình nuôi 100 tổ, sau thấy hiệu quả nên nhân rộng lên 500 tổ. Bên cạnh đó, anh còn sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để khai thác sữa ong chúa, một sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho phụ nữ.
Bên cạnh học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt quy luật hoạt động của đàn ong, tìm kiếm nguồn cây, hoa lấy mật phù hợp trong từng giai đoạn, anh cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê phương tiện, nhân công vận chuyển đàn ong di cư nên đàn ong không ngừng sinh sôi, phát triển, cho nguồn thu khá ổn định. Tổng doanh thu từ trại ong mỗi năm xấp xỉ 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, lãi ròng đạt hơn 1 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn Nam Đàn, nghề nuôi ong lấy mật đã phát triển rộng khắp, đặc biệt ở 13 xã có rừng, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong làm hàng hóa với quy mô lớn. Đặc thù của loài ong là tự nhân đàn, sinh sản nhanh, sau 2 đến 3 tháng là có số lượng ong thợ khá lớn. Nếu chăm sóc tốt, sau một năm, một đàn có thể tách ra từ 5 đến 6 đàn.
Ông Phạm Bá Đạt - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Nam Đàn cho biết: Đến nay toàn huyện đã nhân rộng được gần 10.000 tổ ong, nhiều nhất tại các xã Nam Hưng, Nam Lộc, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Vân Diên, Nam Lộc. Bình quân mỗi hộ nuôi 15 - 20 tổ ong, mỗi năm thu về từ 130-150 lít mật. Các sản phẩm mật ong, sữa ong chúa, sáp ong không chỉ cung ứng thị trường trong nước mà còn xuất sang thị trường các nước Đức, Mỹ, Lào, Thái Lan.
Những năm qua, phong trào nuôi ong mật trên địa bàn Nam Đàn phát triển nhanh, đem lại thu nhập cao, không chỉ giúp bà con xóa đói giảm nghèo, mà còn tăng cường ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ, PCCCR, mở ra hướng làm giàu bền vững cho nhiều địa phương ở Nam Đàn.
Hồng Sương
Đài Nam Đàn