"Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên", "Cha và con", "Tôi bị bố bắt cóc" là những tác phẩm về tình cha mẹ được phát hành nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6.
Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên là cuốn sách nói lên tình mẫu tử xúc động của tác giả Hàn Quốc - Cheon Myeong Kwan. Tiểu thuyết xoay quanh cuộc sống của In Mo - người đàn ông 48 tuổi - đang trong cơn khủng hoảng: sự nghiệp thất bại, vợ bỏ theo người khác, không đủ tiền thuê nhà. Đúng lúc tuyệt vọng, In Mo nhận được cuộc điện thoại của mẹ, muốn anh về nhà ăn cháo gà.
In Mo quyết định ở lại nhà mẹ sau khi ăn cháo. Trong nhà còn có người anh trai hơn 50 tuổi từng ra tù vào tội, đang thất nghiệp và ăn bám mẹ mấy năm nay. Cô em gái út cùng đứa con gái ngỗ nghịch cũng nhanh chóng trở về nhà sống sau ly hôn.
Không một lời ta thán, bà mẹ đã dang tay đón nhận tất cả sự trở về của con cháu. Bằng tình yêu và lòng bao dung vô bờ bến, bà xoa dịu những vết thương nhức nhối trong lòng những đứa con thất bại trong cuộc sống. Không những thế, bà con động viên chúng vượt qua quá khứ, đứng dậy để làm lại cuộc đời. Bà đã khơi lên đốm sáng trong tâm hồn và nhân cách những đứa con mà người ngoài cho là "đồ bỏ đi". Tác phẩm Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên đã được dựng thành phim với tên Boomerang Family. Sách được Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành, với sự hỗ trợ của Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc.
Đến từ Nhật Bản, Tôi bị bố bắt cóc là cuốn sách dễ thương dành cho tuổi mới lớn của tác giả Mitsuyo Kakuta. Haru là cô bé 11 tuổi sống cùng mẹ sau khi bố mẹ cô ly thân bốn năm trước. Vào một ngày hè, Haru thèm ăn kem và ra cửa hàng để mua thì bất ngờ gặp bố đã mở sẵn cửa xe cùng lời mời: "Xin mời tiểu thư". Hai bố con bước vào vụ "bắt cóc" hay chính xác hơn là chuyến du lịch từ đó. Trong chuyến đi ấy, "tiểu thư" Haru đôi lần mệt mỏi đã tới đồn cảnh sát để vu rằng cô bị bắt cóc. Nhưng, bằng tình cảm, sự kiên nhẫn của mình, bố Takashi đã đưa cô bé quen sống trong tiện nghi của thành phố hiện đại vào những trải nghiệm nơi nông thôn, miền núi hay vùng biển. Qua chuyến đi nhiều hồi hộp, nhưng đầy ắp điều thú vị, Haru nhận được nhiều bài học nhân sinh giản dị mà thấm thía.
Trở về từ chuyến đi, Haru thấy bóng đấng sinh thành trở nên chói lòa trên sân ga. Chuyến "bắt cóc" với cô trở thành chuyến du lịch gia đình, một chuyến đi nối liền trái tim cô bé với người bố mà vì lý do nào cô không được sống cùng.
Tôi bị bố bắt cóc đoạt giải "Văn học Robo no Ishi" năm 2000 (cuốn Totto-Chan bên cửa sổ cũng đoạt giải thưởng này năm 1983). Nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Shigematsu Kiyoshi nhận xét: "Tôi bị bố bắt cóc sẽ giúp các thiên thần đang tuổi lớn có được những trải nghiệm, suy nghĩ mới về cuộc sống, về tình thân gia đình. Cuốn sách cũng cần thiết cho những người lớn đang chật vật với khó khăn của việc làm bố, làm mẹ. Nó thực sự đáng được các bậc phụ huynh thưởng thức, tham khảo như nhiều đầu sách hướng dẫn nuôi dạy con khác".
Cũng là một tác phẩm viết về tình phụ tử, nhưng Cha và con của tác giả Tony Parsons có cách thể hiện riêng. Người cha trong tác phẩm là Harry Silver, vì một phút yếu lòng với đồng nghiệp mà rơi vào cảnh thất nghiệp. Vợ anh tức giận bỏ đi khiến Harry một mình nuôi con. Hoàn cảnh đó buộc Harry phải kiêm luôn vai trò người phụ nữ để chăm con.
Bằng ngòi bút sắc sảo, Tony Parsons đã viết nên những tình tiết cười ra nước mắt, nhưng thấm thía về cuộc đời của một người cha đơn thân. Xen giữa các tình tiết hài hước, tác giả giành những khoảng lặng để độc giả suy ngẫm, đồng cảm và thấu hiểu với cảnh "gà trống nuôi con". Tờ Irish Times đánh giá về Cha và con: "Cốt truyện căng thẳng ly kỳ và một hệ thống nhân vật phong phú được đóng khung một cách không khoan nhượng... Tác giả đã chạm đến cảm xúc của số đông thông qua những số ít điển hình và làm chúng ta rơi nước mắt". Cha và con do Liên Hương dịch, phát hành tại Việt Nam hôm 26/6.
Theo VNE