(Baonghean) - Những năm gần đây, nhiều công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất nông nghiệp cho bà con tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến thời điểm này còn một số công trình xây dựng dở dang rồi “đắp chiếu” nhiều năm liền, gây khó khăn cho bà con trong sản xuất nông nghiệp.
Trạm bơm xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương là công trình thủy lợi được đầu tư từ nguồn vốn của tỉnh, được khởi công xây dựng từ 3 năm trước, nhưng đến nay công trình vẫn “đắp chiếu”.
Ông Nguyễn Xuân Lam - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: Địa phương có 200 ha đất sản xuất nông nghiệp chuyên gieo cấy lúa nhưng không có công trình thủy lợi cung cấp nước tưới. Năm 2015 được Nhà nước đầu tư xây dựng trạm bơm đặt cạnh bờ sông Lam để bơm nước lên phục vụ sản xuất. Những tưởng công trình hoàn thành sớm để người dân ổn định sản xuất, thế nhưng sau gần 3 năm mà công trình vẫn chưa xong, khiến người dân bức xúc. Thiếu vốn, nên công trình hoàn thành các hạng mục cơ bản: Xây nhà đặt máy bơm, hệ thống mương dẫn nước… nhưng chưa lắp đặt máy bơm.
Một số người dân xã Ngọc Sơn cho rằng, Nhà nước đầu tư dở chừng như vậy là lãng phí. Bởi nhiều hạng mục đã hoàn thành từ lâu nhưng không đưa vào sử dụng, bỏ hoang, không ai bảo quản, dẫn đến hư hỏng xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Trạm bơm xã Ngọc Sơn có tổng mức đầu tư 14,5 tỷ đồng, đến nay đơn vị thi công đã hoàn thiện các hạng mục xây dựng, nhưng Nhà nước mới giải ngân được 5,5 tỷ đồng. Do chưa được cấp vốn kịp thời nên nhà thầu chưa lắp đặt máy bơm, khiến hàng trăm ha đất sản xuất của xã Ngọc Sơn không chủ động nước tưới, năng suất bấp bênh.
Được biết, trên địa bàn huyện Đô Lương hiện còn 5 dự án nâng cấp công trình thủy lợi bằng nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác dở dang từ nhiều năm nay. Đó là: Đập Quan Đồn (Đại Sơn), đập Vũng Tròn (xã Hồng Sơn), đập Văn Sơn (xã Quang Sơn), đập Vũng cày (xã Lam Sơn) và trạm bơm Ngọc Sơn. Trong đó, trạm bơm xã Ngọc Sơn là cấp thiết nhất, bởi ảnh hưởng đến sản xuất của 200 ha đất sản xuất của bà con.
Tương tự, đập Khe Nốc, xã Sơn Thành (Yên Thành) là một trong những công trình chứa nước có trữ lượng lớn của xã Sơn Thành nhưng hiện trong tình trạng xuống cấp, hệ thống thân đập và cống điều tiết nước hư hỏng không còn chức năng điều tiết, giữ nước. Có mặt tại đập Khe Nốc, nhiều bao tải đất được đắp dọc theo bờ đập, và tấp dưới cống nước, nhưng mực nước trong lòng đập đã chạm đáy.
Theo số liệu của Ban Quản lý dự án huyện Yên Thành, hiện tại trên địa bàn huyện còn một số công trình thủy lợi đang trong quá trình thi công dở dang rồi “đắp chiếu”: Dự án nâng cấp đập Bàu Trang xã Trung Thành được Nhà nước đầu tư 17 tỷ đồng để nâng cấp thân đập, tràn, cống điều tiết nước… từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa xong, do thiếu vốn; Dự án Đập Khe Nốc, xã Sơn Thành được Nhà nước đầu tư 12 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được 3 tỷ đồng để xây dựng mương máng. Đây là công trình cấp thiết, nên dự kiến sẽ tiếp tục triển khai xây dựng vào năm 2018.
Việc xây dựng và quản lý hiệu quả các công trình thuỷ lợi là nhiệm vụ hết sức quan trọng đảm bảo sự nghiệp phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn trong thời kỳ mới. Tỉnh cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, tuy nhiên, một thực tế hiện nay là nhiều công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn tỉnh do vướng mắc vốn đầu tư xây dựng, nên không chỉ gây thất thoát tiền của Nhà nước mà còn làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Xuân Hoàng