Chị Thu Huyền thu hàng tạ nông phẩm mỗi vụ nhờ 'mát tay' trồng rau leo giàn trên sân thượng chỉ rộng chừng 18m2.
Chị Thu Huyền và ông xã có chung sở thích trồng rau nên thống nhất cải tại sân thượng căn nhà ở Thanh Trì, Hà Nội thành khu vườn mini. Tuy công việc bận rộn, chồng chị Huyền vẫn giúp vợ chuyển đất từ tầng trệt lên mái nhà, đổ vào các thùng xốp để trồng rau. Một thời gian dài, anh chị lọ mọ làm vườn lúc nửa đêm. Sân thượng 18 m2 bốn mùa rau quả xanh tốt là thành quả 5-6 năm làm vườn của vợ chồng chị Huyền. Lúc đầu, anh chị chỉ làm giàn bằng tre, nứa. Khi những quả bầu, bí to dần, có quả nặng tới 4 kg, chị phải thay giàn bằng khung nhôm mới đảm bảo không... sập. Giống bí dưa hấu được chị Huyền mua trong một lần đi tham quan miền núi phía Bắc. Giống bí này chế biến được nhiều món ngon như xào, nấu canh, luộc. Món ăn cho vị thanh mát, hương thơm như lúa nếp.Chia sẻ về cách trồng bí dưa hấu, chị Thu Huyền cho biết: Trước khi gieo hạt, cần chuẩn bị đất thật tốt. Trộn đất thịt và tro bếp, phân lân để bón lót. Khi cây bắt đầu leo giàn, tưới dung dịch hỗn hợp gồm hai chén NPK và 18 lít nước. Lúc bí dưa hấu bò giàn, tiến hành ngắt ngọn. Thời điểm cây ra nhiều ngọn, phun hỗn hợp NPK theo tỷ lệ ba chén phân và 18 lít nước. Lượng nông phẩm thu được từ khu vườn sân thượng của chị Huyền lên tới hàng tạ. Gia đình chị ăn không hết, thường mang biếu bạn bè, hàng xóm. Nhiều người biết đến giàn bí dưa hấu sai lúc lỉu của chị qua mạng xã hội cũng ghé tới xin giống trồng thử. Diện tích sân thượng không lớn nên chị Huyền chủ yếu trồng rau leo giàn, vừa trồng được nhiều loại vừa che mát cho mái nhà. Ngoài bí dưa hấu, bầu hồ lô, chị Thu Huyền trồng đậu cô ve, mướp ta, mướp rắn (mướp Nhật quả dài). Nhờ kinh nhiệm nhiều năm trồng rau mặt đất và trồng rau sân thượng, giống nào chị chăm sóc cũng sai trĩu. Giống mướp rắn hình thù lạ mắt và cách chăm sóc đơn giản. Bà mẹ hai con tưới nước hai lần vào sáng sớm và chiều mát. Nếu chọn mua giống ngoài cửa hàng, bà mẹ Hà Nội chọn những hạt chắc, mẩy, không bị mốc. Chị dùng tay ấn nhẹ vào bụng hạt để phân biệt hạt tốt, hạt hỏng. Nếu thấy vỏ hạt mềm hoặc lõm vào là nhân bên trong đã bị thối. Mỗi ngày, vợ chồng chị Huyền dành 1-2 giờ để chăm sóc vườn rau. Công việc chính gồm tỉa lá già và loại bỏ những ngọn còi để cây tập trung nuôi quả. Bà mẹ Hà Nội sử dụng dây nilon và xốp làm giá đỡ cho những quả bí dưa hấu có trọng lượng lớn. Các loại cây leo giàn thường bị rệp, nhện đỏ, bệnh phấn trắng. Chị Thu Huyền bắt sâu bằng phương pháp thủ công và phun dung dịch thảo mộc tự chế từ gừng, tỏi, ớt, nước thuốc lào pha với rượu trắng. Ngoài trồng rau leo giàn, chị Thu Huyền còn tự tay trồng nấm phục vụ bữa ăn cho gia đình. Theo ngoisao.net