(Baonghean) - Tháng Tư hàng năm luôn là thời điểm mà những người làm trong ngành báo chí quốc tế luôn mong đợi bởi đó là thời điểm công bố kết quả giải thưởng danh giá Pulitzer công bố kết quả. Năm nay, Lễ trao giải đã được tổ chức tại Đại học Columbia, New York với nhiều chiến thắng đầy ấn tượng…
Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất, được tổ chức thường niên nhằm đề cao những tác phẩm báo chí xuất sắc ở các thể loại, phản ánh những sự kiện tiêu biểu ở nước Mỹ cũng như quốc tế. Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World đề nghị giải này trong di chúc của ông viết năm 1904. Khi đó ông có đề ra 13 giải: 4 cho báo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục. Nhạy cảm với sự thay đổi, Pulitzer có lập ra một hội đồng tư vấn có quyền thay đổi nội dung giải thưởng. Từ năm 1917, giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi hiệu trưởng trường Đại học Columbia. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung: một số thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhạc.
Những giải thưởng Pulitzer năm nay đa phần đều thuộc về những tờ báo có uy tín ở Mỹ. Giải Phục vụ Cộng đồng thuộc về The Post And Courier với loạt bài điều tra về tình trạng bạo hành gia đình tại South Carolina thông qua tác phẩm có tựa đề "Till Death Do Us Part". Báo The Los Angeles Times sở hữu 2 giải ở hạng mục Bài viết chuyên đề với loạt bài về nạn hạn hán tại các bang ở Mỹ của nhà báo Diana Marcum và hạng mục "Phê bình".
Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán, chiến thắng ấn tượng nhất vẫn là của Tờ báo New York Times khi nhận 2 giải ở hai hạng mục khác nhau về cùng chủ đề là cuộc chiến chống đại dịch Ebola ở Tây Phi, gồm giải Phóng sự quốc tế và giải Ảnh chuyên đề của nhiếp ảnh gia Daniel Berehulak. Nhân vật chính của giải thưởng, Berehulak đã trực tiếp có mặt ở những vùng mà đại dịch Ebola đang hoành hành như Liberia, Sierra Leone và Guinea. Đối mặt với nguy hiểm về tính mạng và có thể bị lây nhiễm chính căn bệnh này, nhưng dường như những thử thách đó không thể cản được Berehulak, anh đã trải qua 4 tháng làm phóng sự ở những "điểm nóng" này.
Cũng gây ấn tượng không kém bởi lòng dũng cảm như Berehulak là Ned Parker, Trưởng cơ quan đại diện của hãng thông tấn Reuters tại Iraq. Phóng sự mà Parker và nhóm của anh làm chính là vấn đề nội bộ thiếu đoàn kết tại Iraq và sự trỗi dậy của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỗi khi nhắc tới IS là không ít nhà báo lại lắc đầu ngán ngẩm bởi không ít những người đồng nghiệp của họ khi đưa tin chiến trường về IS đã bị chúng bắt cóc, và có những người đã không bao giờ có thể trở về. Những nỗ lực của Parker và cộng sự đã mang lại cho anh giải thưởng ở hạng mục Phóng sự quốc tế. Reuters còn cho biết, Parker đã nhận được không ít những lời đe dọa trong thời gian còn làm phóng sự ở Iraq, và nếu anh không nhanh chóng trở về, không biết chuyện gì nữa sẽ xảy ra.
Chủ nhân mỗi giải thưởng sẽ nhận được 10.000 USD, riêng giải cho báo chí "Phục vụ cộng đồng" được trao một huy chương vàng. Thế nhưng ngẫm lại, liệu như thế đã xứng đáng với công sức mà những nhà báo chân chính đã bỏ ra?!! Những phóng viên thực thụ, ngày đêm đối mặt với hiểm nguy xông pha hiện trường để mang lại cho chúng ta những thông tin quý giá. Chúng ta có thể ngồi một chỗ, cầm tờ báo trên tay và đọc, nhưng nên nhớ để có được những thông tin đó, rất nhiều phóng viên, nhà báo đã và đang mạo hiểm tính mạng để đem đến những thông tin chính xác, nhanh chóng nhất. Hãy trân trọng và ghi nhận những con người làm báo chân chính!
NHẬT MINH